LỜI NÓI ĐẦU Cách đây 65 năm, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo chiến lược đúng đắn về chiến tranh nhân dân của Đảng và Bác Hồ, quân và dân ta đã mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là cuộc đọ sức quyết liệt nhất giữa dân tộc ta với bọn xâm lược Pháp có đế quốc Mỹ giúp sức. Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu oanh liệt và cực kỳ anh dũng, sáng tạo, quân đội ta đã giành toàn thắng, lá cờ quyết chiến quyết thắng đã tung bay trên nóc hầm Đờ Cát, kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu. Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ là một trong những chiến công chói lọi nhất trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Điện Biên Phủ đã được “ghi vào lịch sử như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thực dân của chủ nghĩa đế quốc”. Chiến thắng về quân sự ở Điện Biên Phủ đã tạo điều kiện trực tiếp cho thắng lợi của Hội nghị Giơnevơ và kết quả là sự ra đời của Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương ngày 21-7-1954 cam kết: Tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương, chấm dứt ách nô lệ gần trăm năm của thực dân Pháp trên đất nước ta. Để đáp ứng nguyện vọng của đông đảo bạn đọc và các cơ quan có nhu cầu nghiên cứu, sử dụng tài liệu của Thư viện tỉnh. Nhân dịp kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và thắng lợi của hội nghị Giơnevơ, cùng cả nước hướng về Điện Biên, Thư viện tỉnh Hải Dương tiến hành biên soạn và phát hành thư mục chuyên đề: ĐIỆN BIÊN PHỦ - 65 NĂM NHÌN LẠI. Thư mục tóm tắt những sự kiện chính đồng thời tập hợp giới thiệu những cuốn sách viết về Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ đang được lưu giữ tại Thư viện tỉnh Hải Dương. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc! “Điện Biên Phủ như là một cái mốc bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao tới thắng lợi hoàn toàn...” “Chiến thắng Điện biên Phủ là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới...”. Hồ Chí Minh (Trích trong cuốn: Điện Biên Phủ mốc vàng thời đại.- H.:Quân đội nhân dân, 2004, tr.3) “Trận Điện Biên Phủ vĩ đại đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nổ dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”. Lê Duẩn (Trích trong cuốn: Điện Biên Phủ mốc vàng thời đại.- H.: Quân đội nhân dân, 2004, tr.4) “Điện Biên Phủ là điểm hẹn mà Lịch sử dành cho những cuộc chiến tranh xâm lược trong thời đại ngày nay”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Trích trong cuốn: Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử Đại tướng Võ Nguyên Giáp.- H: Quân đội nhân dân, 2000, tr.5) “Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đã làm cho ba tiếng Điện Biên Phủ trở thành biểu tượng của sức mạnh Việt Nam. Tinh thần Điện Biên Phủ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Trích trong cuốn: Điện Biên Phủ 50 năm nhìn lại Đại tướng Võ Nguyên Giáp.- H.: Quân đội nhân dân, 2004, tr.5) PHẦN I. ĐIỆN BIÊN PHỦ - TÓM TẮT NHỮNG SỰ KIỆN CHÍNH Ngày 24 - 7 - 1953 Hội đồng quốc phòng Pháp họp tại Pari dưới sự chủ toạ của Tổng thống Vanhxăng Ôniên thông qua kế hoạch Nava. Theo đó, trong Đông Xuân 1953 - 1954 quân Pháp thực hiện phòng ngự chiến lược ở phía Bắc vĩ tuyến 18, tránh giao chiến toàn diện với ta; đồng thời tăng cường lực lượng cơ động tiến công Nam vĩ tuyến 18 nhằm bình định miền Nam và miền Trung Đông Dương. Từ mùa thu năm 1954 sẽ chuyển sang tiến công ở phía Bắc Hoành Sơn để tạo ra một cục diện quân sự mới và một giải pháp chính trị có lợi cho cuộc chiến tranh mà Pháp đang tiến hành. Ngày 1 - 8 - 1953 Nava trở lại Đông Dương và bắt tay vào tổ chức đội quân chiếm đóng như kế hoạch đã định. Ngày 20 - 8 - 1953 Tổng quân uỷ trình lên Bộ Chính trị bản đề án “Tình hình địch - ta ở Bắc Bộ sau khi địch rút khỏi Nà Sản và chủ trương tác chiến của ta trong Thu Đông 1953”. Cuối tháng 9 - 1953 Bộ chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Tỉn Keo, chân núi Hồng Tuyên Quang) thuộc căn cứ địa Việt Bắc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội nghị xác định phương châm tác chiến của ta là: tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt. Hướng chính của chiến cục Đông Xuân 1953 - 1954 là Tây Bắc, các hướng khác là phối hợp. Thượng tuần tháng 11 – 1953 Bộ phận chuẩn bị chiến trường của Đại đoàn 316 lên Tây Bắc. Ngày 2 - 11 - 1953 Tướng Nava gửi chỉ lệnh đặc biệt cho tướng Cônhi, chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Bắc Bộ, chuẩn bị chiếm đóng Điện Biên Phủ. “Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo ở phía Tây vùng rừng núi Tây Bắc. Cánh đồng Điện Biên Phủ dài khoảng 18km, rộng từ 6 - 8km. Điện Biên Phủ nằm trên ngã ba nhiều đường giao thông quan trọng, phía Đông Bắc nối liền với Lai Châu; phía Đông và Đông Nam nối liền với Tuần Giáo, Sơn La, Nà Sản; phía Tây thông với Luông Prabăng và phía Nam thông với Sầm Nưa (Lào). Địa hình bằng phẳng. Vào mùa khô, Điện Biên Phủ là một địa bàn thuận tiện cho việc sử dụng xe tăng, xe cơ giới. Điện Biên Phủ là một vị trí chiến lược cơ động giữa miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và miền Tây Nam Trung Quốc, có thể trở thành một căn cứ lục quân và không quân rất thuận lợi của Pháp ở vùng Đông Nam Á”. Ngày 12 - 11 -1953 Tướng Cônhi viết thư cho tướng Nava phản đối việc chiếm đóng Điện Biên Phủ. Trong thư có đoạn viết: “Những vấn đề chiến lược của ngài đề ra không quan hệ gì đến mảnh đất mà ngài đã giao phó cho tôi” Ngày 15 - 11 - 1953 Đại đoàn 316 gồm Trung đoàn 174 và Trung đoàn 18 được lệnh hành quân lên Tây Bắc. Từ ngày 19 đến 23 - 11 - 1953 Tại Định Hóa (Thái Nguyên), Bộ Tổng tư lệnh mở hội nghị cán bộ từ trung đoàn trở lên phổ biến nhiệm vụ quân sự và kế hoạch Đông Xuân 1953 - 1954. Ngày 20 - 11 - 1953 Đại đoàn 304 tiến quân lên Tây Bắc. Để đánh lạc hướng địch, đại đoàn đã bí mật ngoặt về đánh phục kích địch ở Phú Thọ. Từ ngày 20 đến 22 - 11 - 1953 - Quân Pháp dưới sự chỉ huy của tướng Gin mở cuộc hành quân Castor (Hải ly) nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ. - Tiểu đoàn 910 thuộc trung đoàn Sơn La của ta đánh địch suốt ngày đêm, tiêu diệt 300 tên địch. Ngày 29 - 11 - 1953 - Đại đoàn 308 cũng được lệnh tiến quân lên Tây Bắc. - Cùng ngày, Nava và Cônhi lên Điện Biên Phủ ngồi trên máy bay, hai viên tướng thực dân thảo luận và thống nhất của Đờ Cátxtơri thay Gin chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 30 - 11 - 1953 Đờ Cátxtơri được bổ nhiệm chỉ huy quân đồn chú Điện Biên Phủ Ngày 3 - 12 - 1953 Nava quyết định tiếp nhận chiến đấu với quân ta ở Điện Biên Phủ và ra lệnh rút bỏ Lai Châu cho lực lượng về bảo vệ Điện Biên Phủ, đồng thời giao nhiệm vụ cho Bộ chỉ huy quân Pháp ở Bắc Bộ phải bảo vệ Điện Biên Phủ bằng bất cứ giá nào và đưa thêm lực lượng tăng cường phòng ngự, xây dựng Điện Biên Phủ thành một pháo đài mà chúng huênh hoang gọi là “bất khả xâm phạm”. Ngày 6 - 12 - 1953 - Bộ Chính trị nghe Tổng quân uỷ báo cáo quyết tâm tiến công và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ; thành lập Ban chỉ huy chiến dịch, cử động chí Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng uỷ Mặt trận. - Cùng ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư kêu gọi cán bộ và chiến sĩ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đồng bào Tây Bắc. Ngày 7 - 12 - 1953 Đại đoàn 316 được lệnh nhanh chóng tiêu diệt địch ở Lai Châu, Đại đoàn 308 bao vây địch ở Điện Biên Phủ không cho chúng chạy sang Lào. Ngày 24 - 12 - 1953 - Đại đoàn 312 tiến quân lên Tây Bắc. - Cùng ngày, Nava dự lễ Noen với binh lính Pháp đồn trú ở Điện Biên Phủ. Nava nói với các binh sĩ của hắn là quân Việt Minh đang gặp khó khăn rất lớn về cung cấp hậu cần, quân đội viễn chinh Pháp nhất định thắng lợi... Ngày 31 - 12 - 1953 - Nava chỉ thị cho Cônhi và Đờ Crevộcơ nghiên cứu kế hoạch rút lui của Điện Biên Phủ (kế hoạch Xênôphông). Ngày 5 - 1 - 1954 - Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị dự bị tiến quân lên Tây Bắc. - Cùng ngày, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng lên đường đi Điện Biên Phủ. Ngày 14 - 1- 1954 Tại Thẩm Púa, Đảng uỷ và Bộ chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ triệu tập hội nghị bàn kế hoạch tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, nhưng nếu địch thay đổi ta cũng có thể vận dụng phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Giờ nổ súng được quy định vào 16 giờ ngày 20 - 1- 1954. Ngày 15 - 1 - 1954 Quân ta kéo pháo lên núi, chiếm lĩnh các vị trí quanh Điện Biên Phủ. Ngày 16 - 1- 1954 Tại Mường Phăng, nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch, Hội nghị cán bộ được khai mạc. Sau khi nghiên cứu kỹ ý kiến của đồng chí Tổng tư lệnh và các ý kiến của những phái viên từ các đơn vị về báo cáo, Đảng uỷ chiến dịch nhất trí quyết định thay đổi cách đánh, chuyển sang vận dụng phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Ngày 2 - 2 - 1954 Tướng Ô Đanien - Chỉ huy các lực lượng quân Mỹ ở Thái Bình Dương, Trưởng phái đoàn quân Mỹ ở Đông Dương, lên thị sát và kiểm tra Điện Biên Phủ. Ông ta tỏ ý “rất hài lòng” về phòng ngự ở đây. Ngày 3 - 2 - 1954 Địch thả truyền đơn ở Điện Biên Phủ thách thức ta tiến công. Ngày 5 - 2 - 1954 Quân ta cơ bản hoàn thành công việc kéo pháo ra để chuẩn bị lại theo cách đánh mới. Ngày 17 - 2 - 1954 Tại Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy Mặt trận triệu tập hội nghị bàn kế hoạch tiến công vào Điện Biên Phủ theo phương châm “đánh chắc, tiền chắc, bảo đảm đánh chắc thắng. Ngày 18 - 2 - 1954 - Nava và Cônhi lên thăm Điện Biên Phủ. - Cùng ngày, Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao 4 nước Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ họp tại Béclin ra thông báo sẽ họp bàn về vấn đề “lập lại hoà bình ở Đông Dương” tại Giơnevơ vào tháng 4 - 1954. Ngày 19 - 2 - 1954 - Thủ tướng Pleven cùng nhiều quan chức chính phủ và tướng lĩnh quân đội Pháp lên thị sát Điện Biên Phủ (trong đó có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp Đà Sơvinhê, các tướng Êly, Bôđê, Blăng...) - Cùng ngày, Nava nhận định “ngọn trào tiến công của Việt Minh đã đến lúc xuống” và ra lệnh phản công trên khắp các chiến trường Đông Dương. Ngày 22 - 2 - 1954 Tại mặt trận Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy Mặt trận triệu tập hội nghị cán bộ chiến dịch để kiểm điểm công tác chuẩn bị tiến công đợt một. Ngày 28 - 2 - 1954 - Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đến thăm hội nghị động viên chiến dịch của cán bộ pháo binh. - Cùng ngày, quân địch đánh ra thăm dò ở phía Đông Nam Điện Biên Phủ. Ngày 1 - 3 - 1954 - Pleven về Pari tuyên bố: “Ở Đông Dương không có vấn đề quân sự, chỉ có vấn đề chính trị mà thôi”. - Tại Điện Biên Phủ địch lại đánh ra thăm dò ta ở phía Tây. Ngày 4 - 3 - 1954 Nava lại cùng Cônhi đi kiểm tra Điện Biên Phủ. Đờ Cátxtơri thấy không cần tăng thêm lực lượng cho đồn trú khi Nava gợi ý muốn đưa thêm 3 tiểu đoàn. Ngày 8 - 3 - 1954 - Tại Điện Biên Phủ trọng pháo 105mm và pháo cao xạ của ta bắt đầu vào chiếm lĩnh trận địa. - Phòng Nhì (tình báo) của Cônhị báo cáo những triệu chứng tỏ ra quân ta sẽ tiến công Điện Biên Phủ vào ngày 15 - 3, Nava xác nhận điều đó, nhưng lại cho rằng quân ta khó mà vượt qua được rất nhiều khó khăn để đưa pháo đến gần lòng chảo Điện Biên. Ngày 9 - 3 - 1954 Nhận được tin ngày 15 - 3 quân ta sẽ tiến công vào hệ thống đường số 5, vào các sân bay và có thể cả Điện Biên Phủ, Cônhi vội xin gấp 3 tiểu đoàn khinh quân để bổ sung cho các đơn vị dù và xe tăng đã bị xộc xệch, chuẩn bị đối phó với ta ở mặt trận đồng bằng Bắc Bộ. Ngày 10 - 3 - 1954 - Hồ Chủ tịch gửi thư động viên tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ, dân công ở Điện Biên Phủ sắp bước vào chiến đấu. - Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra Nhật lệnh động viên tất cả cán bộ, chiến sĩ, tất cả các đơn vị kiên quyết tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. - Sơn pháo 75mm của ta bắn hỏng 2 máy bay vận tải ở sân bay Mường Thanh. Ngày 11 - 3 - 1954 - Những khẩu trọng pháo cuối cùng của ta đã vào chiếm lĩnh trận địa bao vây Điện Biên Phủ. - Quân ta bắt đầu đào trận địa xuất phát tiến công Him Lam. - Tại đồng bằng Bắc Bộ, trong một đêm quân ta cắt đứt đường số 5, san bằng 13 đồn bốt và tháp canh. Ngày 12 - 3 - 1954 - 10 giờ 30 phút, sơn pháo và súng cối của ta bắn mạnh vào sân bay Mường Thanh, phá hỏng 3 máy bay trinh sát. - Một tiểu đoàn địch với 5 xe tăng đánh ra định phá trận địa tiến công Him Lam của ta, bị hoả lực súng cối của ta bắn mạnh phải rút lui. - Cùng ngày, Cônhi lên Điện Biên Phủ. Y đến trung tâm đề kháng Him Lam ra những chỉ thị cần thiết một khi bị ta tiến công. - Tại vùng đồng bằng, ta phục kích địch trên đường số 5, đoạn từ Bản Yên Nhân đến Như Quỳnh, tiêu diệt một đoàn xe quân sự địch, phá huỷ 17 xe, trong đó có 4 xe thiết giáp, 13 xe vận tải và 60 tên lính thuộc GM3. - Tại liên khu 4, bộ đội Thừa Thiên đánh lật nhào một đoàn xe lửa quân sự ở Văn Xá. Ngày 13 - 3 - 1954 - Đợt tiến công thứ nhất của ta vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. Đợt này kéo dài từ ngày 17 - 3 - 1954 với nhiệm vụ tiêu diệt 2 cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập, bức hàng cụm cứ điểm bản Kéo. - Rạng sáng ngày 13, ta nổ súng tiến công, đợt mở màn bằng 20 phút đạn pháo 105 mm do đại đội 806 bắn vào trung tâm Him Lam. 16 giờ, trung đoàn 141 và Trung đoàn 209 thuộc Đại đoàn 312 chiếm lĩnh trận địa, xuất phát tiến công Him Lam. 17 giờ, pháo binh ta tập kích dồn dập vào khu trung tâm, sân bay Mường Thanh và vào cả 3 cứ điểm của trung tâm đề kháng Him Lam. Kết quả, 5 máy bay địch bị phá huỷ. Một kho xăng và nhiều kho hàng địch bị bốc cháy.12 khẩu đại bác và súng cối các loại bị phá huỷ. Khoảng 150 tên sĩ quan và lính địch bị thương vong. 18 giờ 30 phút, lực lượng xung kích của Trung đoàn 141 bắt đầu lên đánh bộc phá. - 22 giờ 30 phút, quân ta hoàn toàn tiêu diệt xong cụm cứ điểm Him Lam gồm 3 cứ điểm do Tiểu đoàn 3, Trung đoàn lê dương thứ 13 chiếm đóng. Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 tiêu diệt cứ điểm I; Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141 tiêu diệt cứ điểm II; Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 tiêu diệt cứ điểm III. Trận này, ta diệt gần 300 địch, bắt sống hơn 200 tên. - Cùng ngày, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ra chỉ thị cho các chiến trường toàn quốc tích cực hoạt động đánh địch phối hợp với chiến trường chính. - Ở đồng bằng Bắc Bộ, đêm 12 rạng 13, ta tiêu diệt vị trí Nghĩa Lộ trên đường số 5, một vị trí công sự kiểu mới của địch. Hai đại đội địch bị diệt gọn, 7 xe quân sự bị phá. - Tại Nam Định, 130 lính bù nhìn chạy sang hàng ngũ ta đem theo cả vũ khí. - Tại Phủ Lý, ta bao vây vị trí Phương Khê. Khi quân chiếm đóng đồn Phương Khê rút chạy, ta truy kích diệt và bắt 150 tên. Ngày 14 - 3 - 1954 - 7 giờ sáng, tại Điện Biên Phủ, Đại đội 815, Tiểu đoàn 383, Trung đoàn pháo cao xạ 367 đã bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên của địch chỉ bằng một loạt đạn. - 9 giờ, 1 tiểu đoàn và 5 xe tăng địch đánh thọc ra định phản kích chiếm lại Him Lam, nhưng bị pháo ta bắn chặn ác liệt phải rút lui. - 13 giờ, được ta cho phép, địch cho xe Hồng Thập Tự ra Him Lam lấy thương binh về. - Địch tăng viện cho Biện Biên Phủ tiểu đoàn dù ngụy số 5 và 4 khẩu pháo 105 mm để bù vào số pháo đã bị phá huỷ tối 13 - 3. Hai chiếc máy bay lên thẳng vừa đổ xuống Điện Biên Phủ bị pháo binh ta bắn cháy ngay. - 17 giờ, pháo ta bắn chuẩn bị vào cứ điểm Độc Lập, sau đó thỉnh thoảng lại bắn một đợt mãnh liệt cho đến kho bộ binh ta xung phong tiêu diệt cứ điểm này vào sáng hôm sau. - Tại Liên khu 4, ta tiêu diệt vị trí Võ Xá. - Tại Liên khu 4, ta phục kích địch trên đường số 13 (Quy Nhơn - Play Cu) diệt gần 100 tên địch. Ngày 15 - 3- 1954 - 2 giờ, quân ta bắt đầu tiến công bằng lựu pháo 105mm vào cứ điểm Độc Lập. 3 giờ 30 phút, ta chính thức tấn công bằng sơn pháo 75 và bộ binh; đến 6 giờ 30 phút quân ta đã tiêu diệt và làm chủ hoàn toàn cứ điểm đôi Độc Lập, diệt gọn tiểu đoàn Bắc Phi tăng cường, bắt sống gần 300 tên, trong đó có tên quan tư chỉ huy cứ điểm, thu toàn bộ vũ khí. - 6 giờ, Đờ Cátxtơri tung hai tiểu đoàn và 6 xe tăng theo đường Điện Biên - Lai Châu định phản kích lên đôi Độc Lập, nhưng bị ta đánh lui. - 12 giờ 45 phút, Pirốt, chỉ huy pháo binh địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ dùng lựu đạn tự sát. 6 khẩu pháo 105mm của địch bị phá huỷ. Trong 3 ngày 13, 14, 15 pháo binh địch đã bắn về phía ta tới 30.000 viên đạn. - Tại đồng bằng Bắc Bộ, ta phục kích bắn cháy và đắm 2 xuồng, 1 canô, tiêu diệt 1 đại đội lính thủy đánh bộ ở Yên Lệnh, sông Hồng. - Cũng trong ngày 15 - 3- 1954, Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện tới cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ. Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi thư khen các đơn vị tham gia chiến đấu và chiến thắng ở Him Lam và Độc Lập. Ngày 16 - 3 - 1954 - Tiểu đoàn dù thuộc địa thứ 6 của địch nhảy dù xuống tăng viện cho Điện Biên Phủ. - Nava chỉ thị cho tướng Gămbie, Tổng tham mưu trưởng quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương phải thực hiện gấp kế hoạch làm mưa nhân tạo trên đường giao thông từ hậu phương ta ra mặt trận Điện Biên Phủ để ngăn cản việc tiếp tế của ta. - Cùng ngày, Bộ Chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ triệu tập hội nghị cán bộ chiến dịch sơ kết thắng lợi đợt 1 và giao nhiệm vụ đợt 2. Trong đợt này ta phải tiếp tục xây dựng trận địa bao vây cho thật vững chắc, tiếp tục tiến công các cứ điểm vòng ngoài, phải kiềm chế pháo binh địch ráo riết hơn nữa, phải khống chế sân bay... - Tại đồng bằng Bắc Bộ, một đoàn tàu quân sự địch bị trúng mìn của du kích ở Văn Lâm, Hưng Yên. Ngày 17 - 3 -1954 - 15 giờ, pháo binh ta bắn 20 phát vào đồn bản Kéo, 2 đại đội lính Thái chạy ra hàng với toàn bộ vũ khí. - Đợt tiến công thứ nhất của quân ta kết thúc thắng lợi. Ta đã tiêu diệt gọn 2 trung tâm đề kháng vào loại mạnh nhất của địch ở Điện Biên Phủ, pháo binh ta đã phá huỷ tất cả số máy bay đậu trên sân bay Mường Thanh, pháo cao xạ ta đã hạ 12 máy bay các loại. Tổng số thiệt hại của địch khoảng 2.000 tên. TH - Tại Liên khu 5, quân ta tiến công địch ở Quan Câu, loại khỏi vòng chiến đấu 150 tên địch. Ngày 18 - 3 - 1954 Không quân địch bối rối trước hoạt động khống chế sân bay và kiềm chế không quân của pháo binh, pháo cao xạ ta. Lôdanh, Tư lệnh không quân Pháp ở Đông Dương báo cáo với Nava việc tiếp tế bằng đường không từ 4.000 tấn đã tăng lên tới 10.000 tấn. Dù thả xuống Điện Biên Phủ không có cách gì lấy lại. Naya đã phải tính đến chuyện cầu cứu Mỹ, đặt mua vải dù, phụ tùng của Nhật Bản và Philippin để may dù. Lôdanh chỉ thị cho phi công lái máy bay Đacộta phải thả dù ở độ cao 2.000 - 3.000 mét để tránh đạn cao xạ của ta, đồng thời chỉ thị nghiên cứu cách thả dù mở chậm. Ngày 19 - 3- 1954 Dự trữ đạn 105mm và lương thực của địch bắt đầu cạn. Đờ Cátxtơri gọi điện cho Cônhi thông báo rằng việc mất Điện Biên Phủ là điều khó tránh khỏi trong thời gian ngắn và tính chuyện rút sang Lào. Ngày 20 - 3 - 1954 - Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư cho bộ đội động viên tiếp tục xây dựng trận địa tiến công bao vây sát địch hơn nữa. - Nhiệm vụ xây dựng trận địa tiến công và bao vây địch của các đơn vị ta được Bộ Chỉ huy mặt trận coi là nhiệm vụ trung tâm trong công việc chuẩn bị cho đợt tiến công thứ hai. Bộ chỉ huy đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị như sau: + Đại đoàn 308: xây dựng đường giao thông hào trục từ nam vị trí Độc Lập qua bản Kéo, Pe Nội, Nậm Bó, bản Mé, bản Cà My tới suối Nậm Rốm và đường giao thông hào trục từ Pe Nội vào vị trí tập kết của bộ đội phía tây Mường Thanh làm trận địa tiến công để chuẩn bị công kích vị trí 106. + Đại đoàn 312: xây dựng đường giao thông hào trục từ nam vị trí đồi Độc Lập nối liền với vị trí đường trục của Đại đoàn 308 qua Him Lam, Long Bua nối liền đường trục của Đại đoàn 316. Làm trận địa tiến công, chuẩn bị công kích các vị trí D, E và 105. + Đại đoàn 316: xây dựng đường giao thông hào từ Long Bua nối liền với giao thông hào trục của Đại đoàn 312 đi qua bản Bánh, bản Tên tới suối Nậm Rốm ngang bản Cà My, nối liền với giao thông hào trục của Đại đoàn 308. Làm trận địa tiến công vị trí A và C. + Thực hiện nhiệm vụ trên, chỉ trong khoảng 10 ngày, bộ đội ta đã đào thêm được hơn 100km hào giao thông, hào chiến đấu, xây đắp hàng vạn công sự đủ các kiểu. Ngày 21 - 3 - 1954 - Các đại đoàn của ta tiếp tục cho bộ đội đào hào giao thông, chuẩn bị xây dựng trận địa tiến công như nhiệm vụ được giao. - Các đơn vị hậu cần, giao thông vận tải, dân công vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược bổ sung cho bộ đội ở Điện Biên Phủ chuẩn bị tiến công đợt 2. Ngày 22 - 3 - 1954 - Tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Aixenhao tiếp tướng Êly (Pháp) có cả đô đốc Mỹ Rátpho cùng tham dự, bàn cách cứu vãn Điện Biên Phủ. - Các đơn vị ta tiếp tục đào hào bao vây các cứ điểm ở Điện Biên Phủ. - Tại đồng bằng Bắc Bộ, quân và dân đường số 5 làm ngừng hắn việc vận chuyển của địch trên 70 km đường sắt. - Tại Hưng Yên, ta diệt gọn một đoàn xe 88 chiếc ở cách Dị Sử 2 km. - Tại Liên khu 5, ta diệt gọn 500 địch, phá huỷ 1 xe thiết giáp và 22 xe vận tải ở Plây ninh; tập kích vị trí La Hay (Phú Yên); tập kích thị xã Hội An, diệt 3 vị trí, thu toàn bộ vũ khí. Ngày 23 - 3 - 1954 - Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện nhiệt liệt khen ngợi quân và dân đường số 5 đã thắng lớn trong những trận đánh giao thông. - Tại Thái Bình, quân ta tập kích tiêu diệt 2 đại đội địch ở vị trí Đức Hậu. Ngày 24 - 3 - 1954 - Cônhi chỉ thị cho Đờ Cátxtơri cố chống đỡ với quân ta đến mùa mưa. Y cho rằng quân ta đã bị thiệt hại nặng, khó có thể bổ sung ngay. - Tại Liên khu 6 ta đánh địch ở Bình Định, diệt và bắt 800 tên. - Ở Hạ Bằng, Sơn Tây ta chống cân tiêu diệt 511 tên. - Trên đường số 5, quân ta phục kích đánh 2 đại đội thuộc GM3, một trung đội công binh địch đang đi mở đường diệt 85 tên, bắt 65 tên, phá hủy 2 xe tăng, 3 xe thiết giáp, 13 xe vận tải. Ngày 25 - 3 - 1954 - Cônhi viết thư cho Nava: “Mỗi ngày phải chuyên chở gần 2.000 tấn theo đường sắt từ Hải Phòng lên Hà Nội, nhưng Việt Minh liên tiếp đánh đổ các đoàn tàu”. Cônhi yêu cầu tăng cường lực lượng cơ động và công binh bởi vì không giải quyết được vận chuyển tiếp tế thì phải rút lui cả Hà Nội. - Tại Điện Biên Phủ, trong hội nghị cán bộ (từ ngày 25 đến 27 - 3), Bộ Chỉ huy Mặt trận đề ra nhiệm vụ cho đợt 2 là tiêu diệt các điểm cao tại khu đông, uy hiếp trực tiếp khu trung tâm Mường Thanh, tiêu diệt bộ phận sinh lực địch để chuẩn bị cho tổng công kích. Ngày 26 - 3 - 1954 Các đơn vị tiếp tục đào hào giao thông, trận địa tiến công địch, tăng cường bắn tỉa, thu hồi lương thực, đạn dược của quân địch thả dù xuống Điện Biên Phủ. Ngày 27 - 3 - 1954 - Hội nghị cán bộ tại mặt trận chuẩn bị cho đợt 2 kết thúc. - Tại Ngọc Chiến (Sơn La) ta diệt thổ phỉ, bắt 307 tên, thu 531 súng các loại. - Trong thời gian chuẩn bị đợt 2, quân ta đã đẩy mạnh hoạt động nhỏ, đã đẩy lùi tất cả các cuộc phản công của địch từ Mường Thanh ra, ta phá hủy 6 xe, 3 máy bay khu trục, hạ 2 máy bay vận tải, bắn cháy 2 chiếc trên đường bằng; 450 tên địch bị chết và bị thương. Từ ngày 27 trở đi sân bay Mường Thanh của địch không dùng được nữa. Ngày 28 - 3 - 1954 - Tại Điện Biên Phủ, chiếc máy bay thứ 43 của quân Pháp bị pháo cao xạ ta bắn hạ, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng bộ đội pháo cao xạ ngày càng trưởng thành và thực hiện tốt nhiệm vụ khống chế chặt chẽ bầu trời. - Các đại đoàn triển khai nhiệm vụ chuẩn bị bước vào đợt tiến công thứ 2. Ngày 29 - 3 - 1954 - Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư động viên quân ta bước vào chiến đấu đợt 2. Bức thư có đoạn: “... Khi ra trận phải kiên quyết, dũng cảm, đánh nhanh, giải quyết nhanh, đánh mạnh như vũ bão, không để mất một cơ hội nào để tiêu diệt địch. Người trước ngã, kẻ sau lên, cán bộ, đảng viên làm gương cho toàn quân, mỗi một chiến sĩ đều làm gương trong khi xung phong giết giặc, mọi người đều có một khí thế rất lớn. Không sợ khó khăn, không sợ thương vong, làm cho quân địch thấy bóng quân ta là khiếp sợ... Đánh thắng trận này, chúng ta sẽ làm cho quân địch tổn thất rất nặng, tạo điều kiện đầy đủ để tiến tới tiêu diệt hoàn toàn quân địch ở Điện Biên Phủ. Đánh thắng trận này, quân ta sẽ tiến bộ một bước mới, đi từ chỗ tiêu diệt một tiểu đoàn địch trong một trận công kiên đến chỗ tiêu diệt mấy tiểu đoàn trong một trận. Đây là một cuộc thử thách lớn đối với toàn thể cán bộ cũng như chiến sĩ. Toàn quân ta trên các mặt trận, đồng bào ta ở khắp toàn quốc đang mong chờ tin chiến thắng này. Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch đang mong chờ tin chiến thắng này...” - Ba mục đích trong đợt tiến công thứ hai của quân ta là: + Tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch trong cuộc chiến đấu liên tiếp. + Phá huỷ và đánh chiếm một bộ phận các trận địa hoả lực của địch, làm cho chúng mất chỗ dựa rồi dùng ngay trận địa hoả lực của chúng mà bắn vào đầu chúng. + Đánh chiếm những nơi địa hình có lợi cho ta, chiếm giữ những nơi đó dùng làm trận địa của ta để tiến một bước uy hiếp thật mạnh bọn địch còn lại. - Quân ta phục kích trên đường 19 và tiến công đèo Thượng An diệt tiểu đoàn 17 của GM11, 4 đại bác 105mm, 18 xe vận tải. Ngày 30 - 3 - 1954 - Đợt tiến công thứ hai bắt đầu. + 17 giờ, pháo ta tập kích dữ dội vào khu trung tâm và các điểm cao khu đông. + 18 giờ bộ binh nổ súng tiến công. + Sau 45 phút, Trung đoàn 98 thuộc Đại đoàn 316 dưới sự chỉ huy của đồng chí Vũ Lăng tiêu diệt cứ điểm C1, bắt sống 140 tên địch, thu toàn bộ vũ khí. + Sau 1 giờ 30 phút chiến đấu, Trung đoàn 141 thuộc Đại đoàn 312 tiêu diệt cứ điểm đồi E. + Sau 2 giờ chiến đấu, Trung đoàn 209 thuộc Đại đoàn 312 làm chủ điểm cao D1. + Vào lúc 18 giờ 30, Trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316 dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Hữu An nổ súng tiến công đồi A1. Ngày 31 - 3 - 1954 - 3 giờ, tiểu đoàn 11, Trung đoàn 414 của ta đã tiêu diệt vong trận địa pháo địch ở cứ điểm 210. - Tại đôi A1, 4 giờ sáng ta đã chiếm 2 phần 3 cứ điểm, quân địch dựa vào một phần còn lại và hầm ngầm kiên cố tiếp tục chống cự kịch liệt với ta. Đến sáng sớm, đich thúc tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 lên chiến đấu ở đây diễn ra giằng co quyết liệt. Đến chiều địch chiếm lại được 2 phần 3 cứ điểm, ta chỉ còn giữ được 1 phần 3 ở phía Đông Bắc. - Ở phía Tây, ta đánh lấn, tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm 106. - Bộ Chỉ huy Mặt trận quyết định thay lực lượng tiếp tục tiến công A1, đồng thời chỉ thị cho cả mặt Đông và Tây cùng hoạt động để phân tán lực lượng địch. Cuộc chiến đấu ở đồi A1 vẫn diễn ra ác liệt. Nhiều trận xung phong và phản xung phong diễn ra liên tiếp. - Ta đánh lật nhào một đoàn tàu địch, tiêu diệt một đại đội của chúng ở Liên khu 4. Ngày 1 - 4 - 1954 - Ta tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm 106 ở phía Tây. - Nava chỉ thị cho Cônhi: quân đội đồn trú phải kéo dài cuộc chống giữ đến mùa mưa. Ngày 2 - 4 - 1954 - Cứ điểm 311 (Căng Na) ở phía Tây Điện Biên Phủ bị quân ta uy hiếp nặng từ mấy ngày trước. Quân ta dùng loa và bắn đạn truyền đơn vào kêu gọi địch đầu hàng. Chiều 2 - 4, 120 tên thuộc 2 đại đội của tiểu đoàn Thái số 3 chạy ra hàng quân ta. - Hai đội dũng sĩ của ta thâm nhập vào sân bay, bắt 10 tù binh. - 11 giờ, quân địch từ Mường Thanh ra phản kích định chiếm lại mỏm thìa lìa trên đồi A1, nhưng bị quân ta đánh lui. - Ta diệt 2 đại đội của Tiểu đoàn khinh quân 709 ở Đông Tạ (Kiến An). Ngày 3 - 4 - 1954 Địch tăng viện tiểu đoàn dù thuộc địa lên Điện Biên Phủ. Ngày 4 - 4 - 1954 - 4 giờ sáng, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 được lệnh ngừng chiến đấu và bàn giao nhiệm vụ phòng ngự cho đơn vị bạn. Đợt tiến công Al tạm ngừng. Quân địch vẫn chiếm được 2 phần 3 cứ điểm, quân ta giữ mỏm thìa lìa. - Tại liên khu 5, ta phục kích diệt 6 xe và một số lính địch. - Tại Hạ Lào, liên quân Lào Việt phục kích đánh một tiểu đoàn địch ở kilômét 59 đường 13, diệt một đại đội địch, phá hủy 30 xe cơ giới và một đại bác 105mm. Ngày 5 - 4 - 1954 - Đêm 4 - 4, ta tiến công cứ điểm 105, quân ta đã tiêu diệt 3 phần 4 cứ điểm, đến sáng địch cho 1 tiểu đoàn, 5 xe tăng từ Mường Thanh ra. Ta tiêu diệt được một số. Nhưng đến 8 giờ, địch chiếm lại được cứ điểm 105. - Đợt tiến công thứ 2 của ta vào khu đông chấm dứt. Trong đợt này, quân ta tiêu diệt khoảng 2.300 tên địch, pháo cao xạ ta hạ 4 máy bay địch. - Ta tiêu diệt vị trí Hòa Đình (Bắc Ninh) diệt 155 tên. Ngày 7 - 4 - 1954 - Tại Điện Biên Phủ địch thả dù tăng viện Tiểu đoàn dù thuộc địa số 2. - Máy bay trinh sát của Mỹ bay trên bầu trời Điện Biên Phủ để nghiên cứu điều kiện thực hiện kế hoạch “Diều hâu”. - Khai mạc hội nghị cán bộ tại mặt trận. Tại hội nghị, Bộ Chỉ huy Mặt trận đã nhận định thắng lợi đợt 2, biểu dương những tiến bộ, đồng thời phê phán những hiện tượng sai lầm trong đợt tiến công vừa qua. - Bộ Chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ đề ra nhiệm vụ mới: + Tiêu diệt thêm một bộ phận những lực lượng mới của địch. + Đánh chiếm thêm một số cứ điểm. + Tăng cường và tiếp tục đào trận địa tiến công bao vây thọc hẳn vào khu trung tâm để cắt đứt tiếp tế, tiếp viên của địch, chuẩn bị mọi điều kiện có lợi để chuyển sang tổng công kích. - Ta tiến công vị trí Thượng Tó gần Hà Nam tiêu diệt 230 tên địch. Ngày 8 - 4- 1954 - Các đại đoàn triển khai nhiệm vụ làm trận địa tiến công, trận địa chặn viện, củng cố trận địa trú quân, đào hào giao thông. - Địch tăng viện Tiểu đoàn dù số 4 cho Điện Biên Phủ. Ngày 9 - 4 - 1954 - Quân địch đồn lực lượng phản kích định chiếm lại cứ điểm C1. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra rất quyết liệt. Mỗi bên chiếm một nửa cứ điểm. - Súng phòng không 12,7mm của quân ta đã bắn rơi chiếc máy bay C119. Đây là chiếc máy bay vận tải hai thân đầu tiên của địch bị quân ta bắn rơi ở Điện Biên Phủ. Ngày 10 - 4 - 1954 - Quân địch ném bom vào bản Long Nhai, làm chết 444 đồng bào ta. - Ta tập kích vị trí Đan Nhiễm (Hưng Yên) diện 125 tên địch. - Địch tiếp tục thả Tiểu đoàn dù thuộc địa số 2 xuống chi viện cho Điện Biên Phủ. Ngày 11 - 4 - 1954 - Các đại đoàn tiếp tục củng cố trận địa, đào hào giao thông siết chặt thêm vòng vây các cứ điểm còn lại ở Điện Biên Phủ. - Để phá các trận địa pháo cao xạ và các đường hào giao thông của ta đang tiến dần đến các cứ điểm, quân địch đã dùng nhiều tốp máy bay thay nhau ném bom, bắn phá suốt ngày đêm. Ngày 12 - 4 - 1954 - Pháo cao xạ ta bắn rơi một chiếc máy bay B26. Đây là chiếc máy bay thứ 50 của địch bị quân ta bắn rơi ở Điện Biên Phủ. - Nava nghiên cứu định thực hiện kế hoạch “Côngđo”, một kế hoạch đánh tháo cho quân đội đồn trú tại Điện Biên Phủ chạy sang Lào. Ngày 13 - 4 - 1954 - Hồi 15 giờ, một máy bay oanh tạc B26 của địch đã tới ném bom trúng vào chỗ binh lính của chúng đang chiếm đóng ở bắc khu trung tâm Mường Thanh. Sau trận ném bom nhầm này, quân lính của địch còn lại ở Điện Biên Phủ càng hoang mang, hoảng sợ. - Bộ Chỉ huy chiến dịch chỉ thị cho các đại đoàn phải dùng phân đội nhỏ đánh lấn kết hợp với công kiên thường. Ngày 14 - 4- 1954 Ở Điện Biên Phủ, Đờ Cátxtơri nhận được điện của Cônhị báo cho biết kế hoạch “Côngđo” sẽ được thực hiện với 4 tiểu đoàn đặt dưới quyền chỉ huy của trung tá Gôđa. Theo kế hoạch này, đến 20 tháng 4 thì lực lượng của Gôđa sẽ tiến đến vùng Mường Khoa - Pắc Luông thuộc lưu vực sông Nậm Hu. Ngày 15 - 4 - 1954 - Đờ Cátxtơri nhận được điện báo tin đã được phong quân hàm cấp tướng. Đây là việc làm theo sự gợi ý của Mỹ nhằm động viên quân lính đồn trú Điện Biên Phủ cố thủ. Đồng thời, Bộ Chỉ huy Pháp còn phong cho Lănggle lên đại tá. Bigia lên trung tá. Nhưng cặp lon thiếu tướng và 200 chai rượu cônhắc do Nava gửi tặng Đờ Cátxtơri phải thả bằng dù rơi vào trận địa ta. Thư và quà của Đờ Cátxtơri rơi vào tay các chiến sĩ Đại đội 834, Trung đoàn pháo cao xạ 367. - Cônhi tiếp Tư lệnh Không quân Mỹ Patorigiơ đến để nghiên cứu lại kế hoạch “Diều hâu”. Kế hoạch đó lúc này được sửa lại như sau: 90 máy bay oanh tạc hạng nặng B29 sẽ xuất phát từ căn cứ Mani (Philíppin) đến đánh Điện Biên Phủ hòng cứu nguy cho quân lính đồn trú ở đây. Ngày 16 và 17 - 4- 1954 Nhiều đoàn cán bộ của Bộ Chỉ huy Mặt trận đã xuống các đại đoàn, trung đoàn kiểm tra, đôn đốc và giúp các đơn vị tăng cường đào hầm giao thông áp sát các cứ điểm còn lại, đẩy mạnh phong trào bắn tỉa, đoạt dù tiếp tế của địch. Ngày 18 - 4- 1954 - Tại Điện Biên Phủ, quân ta nổ súng tiến công tiêu diệt cứ điểm 105 (bắc sân bay Mường Thanh). - Tướng Mỹ Canđêra cầm đầu một phái đoàn vào Việt Nam trực tiếp kiểm tra việc chuẩn bị thực hiện kế hoạch “Diều hâu”. Ngày 19 - 4 - 1954 - Tại Điện Biên Phủ, quân ta bẻ gẫy các đợt phản kích của địch ra Cứ điểm 105. - Các đại đoàn tham gia chiến dịch thực hiện chỉ thị của Đảng uỷ Mặt trận đã tổ chức đợt sinh hoạt chính trị. Trong đợt sinh hoạt chính trị, cán bộ, chiến sĩ đã tự phê bình và phê bình nghiêm khắc về các biểu hiện hữu khuynh, tiêu cực. Qua đó, nâng cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, kiên quyết khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, đề cao trách nhiệm trước trận đánh lịch sử. - Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết chỉ đạo cho Đảng uỷ Mặt trận khắc phục mọi khó khăn, quyết đánh thắng quân địch và huy động toàn lực của nhân dân, của Đảng và Chính phủ làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Nghị quyết nêu rõ: “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”. Nhận được Nghị quyết của Bộ Chính trị, Đảng uỷ Mặt trận đã tiến hành nghiên cứu quán triệt ngay. Đồng chí Bí thư Đảng uỷ Mặt trận đã nói: “Trung ương đã làm đủ mọi việc. Trận này Đảng yêu cầu chúng ta chỉ được thắng”. Ngày 20 - 4- 1954 - Tại Điện Biên Phủ, các đại đoàn vừa tiến hành sinh hoạt chính trị, tự phê bình và phê bình sâu sắc; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động nhỏ, tăng cường bắn tỉa, đoạt dù tiếp tế của địch. - Đại đoàn 308, Đại đoàn 312 quyết tâm đào hào chia cắt sân bay địch xong trước kế hoạch. - Nava gửi về Pháp bản báo cáo tình hình quân sự ở Đông Dương. Theo ông ta, cuộc tổng phản công của ta đã diễn ra sớm 8 tháng trước thời hạn Nava đã dự kiến. Nava đề nghị với Chính phủ Pháp hoặc ngừng bắn trước khi thương lượng, hoặc thương lượng mà không ngừng bắn, trong lúc đó thì chuẩn bị một quân đoàn tác chiến mới, người của Pháp, trang bị của Mỹ, để tiến hành một cuộc chiến tranh mới bằng phương tiện khổng lồ. Ngày 21 - 4 - 1954 - Tại Điện Biên Phủ, quân ta đào hào giao thông tới sát cứ điểm 206, xây dựng xong trận địa tiến công và hoàn thành công tác chuẩn bị chiến đấu. - Đại đoàn 312 và Đại đoàn 308 tiếp tục đào những mét hào cuối cùng chia cắt hoàn toàn sân bay. Ngày 22 - 4 - 1954 - Ta tiêu diệt cứ điểm 206 bằng chiến thuật đánh lấn, cứ điểm cuối cùng của địch nằm sát sân bay ở phía tây. Quân ta hoàn toàn làm chủ sân bay. - Bộ Chỉ huy Mặt trận kêu gọi các chiến sĩ Điện Biên Phủ hãy đẩy mạnh phong trào “Săn Tây bắn tỉa” và chuẩn bị tiến công đợt 3: tiếp tục tiêu diệt sinh lực địch, đánh chiếm cho hết các điểm cao phía Đông và các cứ điểm đột xuất phía Tây, đưa tất cả hoả lực các cỡ của ta vào gần để khống chế không phận, uy hiếp khu trung tâm, tăng cường tiêu hao sinh lực địch và tranh đoạt tiếp tế, tiến tới tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Ngày 23 và 24 - 4 - 1954 - Địch cho 2 tiểu đoàn với 5 xe tăng đánh phản kích ra cứ điểm 206 nhưng đã bị hoàn toàn thất bại. Hơn 2 đại đội lính dù bị tiêu diệt. - Bộ tham mưu của Nava báo cho Cônhi biết là 150 bao than hoạt tính và 150 bao bột hóa học sẽ rời Pari vào ngày 24 - 4 bằng máy bay sang Việt Nam để dùng vào việc làm mưa nhân tạo trên các tuyến đường giao thông của ta. - Tại Điện Biên Phủ, trận địa chiến hào của ta ở hai mũi phía Đông và phía Tây (do Đại đoàn 312 và 308 đào) cắt ngang sân bay đã gặp nhau. Như vậy, quân ta không những làm chủ không phận, mà còn làm chủ hoàn toàn mặt đất sân bay Mường Thanh. Ngày 26 - 4 - 1954 - Tại Điện Biên Phủ, được Mỹ giúp sức, không quân Pháp đã tập trung hàng trăm máy bay các loại tăng cường đánh phá các trận địa và đường giao thông của ta. - Tại trận địa Pa Luông, Đại đội 829 của Tiểu đoàn 394 bắn rơi một chiếc máy bay B26. Cùng ngày, tại trận địa Khe Chốt, Đại đội 817 cũng bắn rơi một máy bay B26 bắt sống 2 phi công. - Hội nghị Giơnevơ bàn về Đông Dương và Triều Tiên khai mạc. Ngày 27 - 4 - 1954 Đảng uỷ Mặt trận triệu tập hội nghị bí thư Đảng uỷ, các đại đoàn phê phán các hiện tượng “ hữu khuynh tiêu cực”. Ngày 28 - 4 - 1954 - Sân bay Mường Thanh hoàn toàn bị ta khống chế, địch chỉ còn cách thả dù. - Địch bắt đầu thực hiện kế hoạch tháo chạy (kế hoạch Côngđo) nhưng bị thất bại. - Các đại đoàn triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ tiến công đợt 3. Ngày 29 và 30 - 4 - 1954 - Các đại đoàn 304, 308, 312, 316, 351 và Trung đoàn 57 sau khi kiểm tra lại công tác chuẩn bị chiến đấu đã báo cáo lên Bộ Chỉ huy Mặt trận: tất cả đã sẵn sàng bước vào đợt tiến công thứ 3. - Bộ Chỉ huy Mặt trận đã thông báo cho các đơn vị biết ngày của đợt tiến công thứ 3 là 1 - 5- 1954. - Các đơn vị đã tổ chức sinh hoạt chính trị, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ viết quyết tâm gửi thư lên cấp trên tỏ rõ quyết tâm giành toàn thắng. Ngày 1 và 2 - 5 - 1954 - 12 giờ ngày 1 - 5 - 1954, pháo binh ta bắt đầu nổ súng vào các trận địa pháo còn lại của địch. Sau gần một giờ trút đạn, cả khu Hồng Cúm chìm trong khói và lửa. Cụm pháo của Lalăng hoàn toàn bị tê liệt, không bắn trả được phát nào. Kho chứa đạn pháo của địch với 3.000 viên dự trữ bị nổ tung. Kho thực phẩm của địch bị cháy. - Ở phía Đông: Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm C1 sau 20 ngày tranh chấp ác liệt với địch, diệt 114 tên địch, bắt sống 44 tên. Thừa thắng quân ta đẩy mạnh vây lấn và chuẩn bị tiêu diệt cứ điểm C. Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 tiêu diệt các cứ điểm 505, 505A (dưới chân dãy điểm cao khu đồng). - Ở phía Tây: Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 đánh lấn tiêu diệt cứ điểm 311A. - Ở phía Nam (Hồng Cúm): Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 đánh lấn dân vào khu C tiêu hao nhiều sinh lực địch. Ngày 2 - 5, địch đã phải rút khỏi khu này. - Lương thực của quân địch ở tại Điện Biên Phủ còn lại 3 ngày, đạn dược cũng dần cạn kiệt. Ngày 3 - 5 - 1954 - Đêm 2 rạng sáng 3 - 5 - 1954, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 tiến công tiêu diệt cứ điểm 311B ở phía Tây Mường Thanh. - Trận địa quân ta bao vây sát khu trung tâm Mường Thanh, chỉ còn cách khu sở chỉ huy của Đờ Cátxtơri trên dưới 300 mét. - Một đại đội ta được lệnh đóng chốt ở bản Nà Tì, không cho địch có lối thoát để tháo chạy sang Lào. - Cônhi chỉ thị cho Đờ Cátxtới một kế hoạch tháo chạy khác gọi là kế hoạch “Chim biển”, nhưng tất cả bọn sĩ quan chỉ huy còn lại ở Điện Biên Phủ đều không tin tưởng. Đờ Cátxtơri quyết định ở lại với thương binh. Ngày 4 - 5- 1954 - Tại Điện Biên Phủ, bộ chỉ huy mặt trận đã họp bàn nhận định về hoàn thành nhiệm vụ của đợt tiến công thứ ba và quyết định nhanh chóng chuyển sang tổng công kích trên toàn bộ mặt trận giành toàn thắng cho chiến dịch. - Quân ta đào xong đường hầm vào cứ điểm A1, đưa gần 1.000kg bộc phá vào nơi an toàn. - Quân địch phản kích định chiếm lại cứ điểm 311B nhưng bị ta đánh bại. Ngày 5 - 5 - 1954 - Các đại đoàn đã nhận được mệnh lệnh của Bộ chỉ huy Mặt trận chuẩn bị sẵn sàng bước vào tổng công kích giành toàn thắng cho chiến dịch. - Địch thả tiếp Tiểu đoàn dù thuộc địa số 1 xuống Điện Biên Phủ. - Nhiệm vụ cụ thể của các đại đoàn bước vào tổng công kích được quy định cụ thể như sau: + Đại đoàn 316 được tăng cường Trung đoàn 9 của Đại đoàn 304 tiêu diệt nốt các cứ điểm C2 và A1 là điểm cao cuối cùng ở khu đông. + Đại đoàn 312 tiêu diệt các cứ điểm ở chân đồi phía đông tiến sát đến bờ sông Nậm Rốm. + Đại đoàn 308 tiêu diệt Nà Noọng ở phía tây. + Đại đoàn 351 bắn pháo yểm trợ cho các đại đoàn tiêu diệt địch, bắn máy bay kiểm soát chặt chẽ vùng Điện Biên Phủ. Ngày 6 - 5 - 1954 - 20 giờ 30 phút: toàn mặt trận lấy tiếng nổ của khối bộc phá gần 1.000kg ở đồi A1 làm hiệu lệnh đồng loạt tiến công. - Nhiều trận đánh ác liệt diễn ra ở các cứ điểm Al và C2. Ngày 7 - 5- 1954 - 2 giờ 20 phút: cờ “Quyết chiến quyết thắng” của ta đã tung bay trên đồi A1. Tên quan tư chỉ huy ở đây bị ta bắt sống. - 5 giờ 30 phút: 2 đại đội và 1 xe tăng của địch phản kích đánh lên A1, nhưng bị hỏa lực pháo của ta bắn rất mạnh phải rút chạy. Đó là trận phản kích cuối cùng của địch lên điểm cao Al. - 9 giờ: dưới hỏa lực yểm trợ của Trung đoàn 174 trên A1 và hỏa lực mạnh mẽ của pháo binh ta, Trung đoàn 98 đã tiêu diệt hoàn toàn C2, bắt sống hơn 600 tên địch. - Trung đoàn 165 đánh chiếm vị trí 506 - Trung đoàn 209 tiến công 507 và tiếp tục lấn đất. - 14 giờ, thấy quân địch có nhiều triệu chứng tan rã, lợi dụng thời cơ có lợi, Đại đoàn 312 ra lệnh cho Trung đoàn 209 tiếp tục tấn công cứ điểm 507 ở gần cầu Mường Thanh. Hầu như trong tất cả các trận địa của địch đều xuất hiện cờ trắng, vải trắng. Trung đoàn 209 tấn công tiêu diệt các cứ điểm 508, 509, tiến sát bờ sông Nậm Rốm. Trong khu trung tâm bắt đầu xuất hiện triệu chứng địch phá hủy vũ khí và quắng vũ khí xuống sông. Mường Thanh cũng xuất hiện cờ trắng. Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy mặt trận ra lệnh: Tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. - 17 giờ 30 phút, Đại đoàn 312 báo cáo lên Bộ chỉ huy mặt trận “Tất cả quân địch trong khu trung tâm đã đầu hàng. Đờ Cátxtơri và cả ban tham mưu của hắn đã bị bắt”. - 24 giờ, toàn bộ quân địch ở Hồng Cúm gồm 2.000 tên rút chạy đã đầu hàng quân ta. Sau 15 ngày đêm chiến đấu ác liệt, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi. Ngày hôm sau tin chiến thắng lan ra toàn thế giới đúng phiên họp đầu tiên của Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương. (Trích trong Điện Biên Phủ - sự kiện tư liệu.- H.: Quân đội nhân dân, 2004. 186tr. PHẦN II. ĐIỆN BIÊN PHỦ - NHỮNG TƯ LIỆU LỊCH SỬ 1. Điện Biên Phủ văn kiện Đảng, Nhà nước.- H. : Chính trị quốc gia, 2004.- 1167tr; 24cm Tóm tắt: Giới thiệu các văn kiện của Đảng và Nhà nước liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ 324.25970752/Đ305B 2. Đường tới Điện Biên Phủ: Hồi ức/ Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Hữu Mai thể hiện.- In lần thứ 2 có sửa chữa bổ sung ..- H. : Quân đội nhân dân, 2001.- 348tr; 20cm Tóm tắt: Hồi ký về chiến dịch Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 355(V)(092)/ Đ561T 3. Anh hùng Điện Biên Phủ/ Lê Hải Triều.- H. : Quân đội nhân dân, 2004.- 177tr; 19cm Tóm tắt: Giới thiệu về các cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ 355(V)(092)/A107H 4. Kỷ yếu các hoạt động chủ yếu kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2004).- H. : Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương xb., 2004.- 278tr; 20cm Tóm tắt: Tập hợp những văn bản chỉ đạo, các hoạt động chủ yếu chuẩn bị cho lễ kỉ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954-2004). Giới thiệu bộ mặt mới của Thành phố Điện Biên - Lai Châu sau 50 năm xây dựng và phát triển 3KV5(05)/K600Y 5. Điện Biên Phủ: Thư mục sách, báo, tạp chí (Trong nước).- H. : Chính trị quốc gia, 2004.- 789tr; 24cm Tóm tắt: Giới thiệu hệ thống các tài liệu viết về chiến dịch Điền Biên Phủ được lưu trong Thư viện Quốc gia, Thư viện Quân đội, Thư viện Lịch sử quân sự Việt Nam 016.9597041/Đ305B 6. Điện Biên Phủ: Thư mục sách, báo, tạp chí (Ngoài nước).- H. : Chính trị quốc gia, 2005.- 235tr; 24cm Tóm tắt: Tập hợp các sách, báo, tạp chí, tài liệu nước ngoài viết về Điện Biên Phủ đươc lưu trữ trong Thư viện Quốc gia Việt Nam 016.9597041/Đ305B 7. Trên đồi Him Lam: Tập bài hát kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.- H. : Quân đội nhân dân, 1964.- 19tr; 19cm Tóm tắt: Bao gồm các ca khúc ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ 782.42/ TR254Đ 8. Từ Điện Biên Phủ đến dinh Độc Lập.- H. : Quân đội nhân dân, 1995.- 127tr:Minh họa; 26.5cm Tóm tắt: Bức tranh toàn cảnh về cuộc kháng chiến giành độc lập của Việt Nam 77(V)2/T550Đ 9. Việt Nam - Điện Biên Phủ bản anh hùng ca của thời đại.- H. : Sự thật, 1984.- 131tr; 19cm Tóm tắt: Đưa ra nhận xét của bạn bè quốc tế về Việt Nam, ca ngợi chiến thắng Điện Biện Phủ 9(V)21/V308N 10. 55 năm hồi ức về những anh hùng làm nên lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2009).- H. : Văn hóa Thông tin, 2009.- 180tr: Ảnh minh họa; 25cm Tóm tắt: Tập hợp các bức ảnh tư liệu và những hồi ức về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1594 959.7041/ N114M 11. Tiêu diệt cứ điểm Him - Lam: Trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ/ Mai Trọng Thường, Khắc Tính.- H. : Quân đội nhân dân, 1966.- 73tr; 19cm Tóm tắt: Ghi lại diễn biến trận đánh cứ điểm Him Lam, điểm khởi đầu của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 9(V)21-01/T309D 12. Kỷ niệm lần thứ 30 chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ/ Trường Chinh.- H. : Sự thật, 1984.- 30tr; 19cm Tóm tắt: Nghiên cứu về chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ 9(V)22/K600N 13. Điện Biên Phủ mốc vàng thời đại.- H. : Quân đội nhân dân, 2003.- 497tr: ảnh tư liệu; 27cm Tóm tắt: Giới thiệu một cách tương đối hệ thống, toàn diện về chiến thắng Điện Biên Phủ và ý nghĩa thời đại của nó 9(V)2/Đ305B 14. 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ: Bản hùng ca thế kỷ XX.- H. : Văn hóa Thông tin, 2013.- 447tr; 27cm Tóm tắt: Tổng quan về hình thái chiến trường, diễn biến chiến dịch và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ. Sơ lược một số sự kiện diễn ra trong chiến dịch Điện Biên Phủ. 959.7041/S111M 15. Điện Biên Phủ qua một số lời khai của tướng lĩnh Pháp: Hồi ký/ Lê Mạnh Thái.- In lần thứ 2.- H. : Nxb.Văn học, 2014.- 201tr; 21cm Tóm tắt: Nêu bật một số sự kiện quan trọng trong chiến dịch Điện Biên Phủ qua các ghi chép lại lời khai của tù binh Pháp 959.7041/Đ305B 16. Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi của sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta./ Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Thái, Lê Quang Đạo.- H. : Quân đội nhân dân, 1964.- 67tr; 19cm. Tóm tắt : Ghi nhận sự lãnh đạo sáng suốt và đúng đắn của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 9(V)21/CH305T 17. Một số kinh nghiệm trong chiến dịch Điện Biên phủ/ Thiếu tướng Trần Độ, Thiếu tướng Hoàng Minh Thảo, Đại tá Nguyễn Văn Nam, Thượng tá Phạm Hoàng ....- H. : Quân đội nhân dân, 1964.- 143tr; 19cm. Tóm tắt: Giới thiệu toàn bộ những bài học trong chiến dịch Điện Biên Phủ. 9(V)21/M458S 18. Trận tuyến hậu cần Điện Biên Phủ.- H. : Quân đội nhân dân, 1975.- 233tr; 19cm Tóm tắt: Tìm hiểu về công tác hậu cần trong chiến dịch Điện Biên Phủ 9(V)21/TR121T 19. Từ Đà Nẵng đến Điện Biên Phủ/ Nguyễn Khắc Cần, Phạm Viết Thực.- H. : Quân đội nhân dân, 1994.- 256tr:Minh họa; 27cm Tóm tắt: Tập hợp một số hình ảnh về cuộc chiến tranh giữ nước ở Việt Nam từ 1858-1954 9(V)14/16/T550Đ 20. Tướng Hăng-ri Nava với trận Điện Biên Phủ/ Lê Kim.- In lần thứ 2 có bổ sung.- H. : Quân đội nhân dân, 2004.- 106tr:ảnh chân dung; 19cm Tóm tắt: Nhận xét và đánh giá đúng thực chất tướng Hăngri Nava qua những lời bộc lộ của chính ông cộng với những hồi ức của một số sĩ quan rất gần gũi và những tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Pháp mới được công bố 9(V)2/T561H 21. Mấy vấn đề chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.- H. : Khoa học xã hội, 1985.- 307tr; 19cm Tóm tắt: Phân tích nguyên nhân thắng lợi, bài học kinh nghiệm của chiến thắng Điện Biện Phủ và ảnh hưởng của nó với Cách mạng Thế giới 9(V)21/M126V 22. Tại sao Điện Biên Phủ?/ Lê Phú Khải.- H. : Thanh niên, 2004.- 156tr; 19cm Tóm tắt: Tìm hiểu về 50 năm - Điện Biên Phủ quá khứ và hiện tại. 9(V)21/T103S 23. Chuyện những người làm nên lịch sử: Hồi ức về Điện Biên Phủ (1954-2009)/ Đào Thanh Huyền, Phạm Thuỳ Hương, Phạm Hoàng Nam biên soạn.- H. : Chính trị quốc gia, 2009.- 239tr: Ảnh minh họa; 28cm Tóm tắt: Ghi lại hồi ức của những người trực tiếp tham gia về chiến dịch Điện Biên Phủ 959.7041/CH527N 24. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ/ Nguyễn Đức Cường, Phạm Lan Hương, Nguyễn Thị Nguyên biên soạn.- H. : Văn hóa Thông tin, 2013.- 447tr; 27cm Tóm tắt: Tìm hiểu sự lãnh đạo, chỉ đạo, những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ qua một số bài viết, bài nghiên cứu 959.7041/CH500T 25. 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.- H. : Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2014.- 371tr; 24cm Tóm tắt: Giới thiệu 31 bài viết của các nhà nghiên cứu lịch sử và chiến dịch Điện Biên Phủ 959.7041/S111M 26. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ/ Nghiêm Xuân Hiếu biên soạn.- H. : Quân đội nhân dân, 1958.- 165tr:ảnh; 19cm. Tóm tắt: Tìm hiểu ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ, là một trang lịch sử vẻ vang của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống xâm lược của thực dân Pháp. 9(V)21/CH305T 27. Sức mạnh chiến thắng Điện Biên Phủ.- H. : Sự thật, 1964.- 106tr; 19cm Tóm tắt: Nghiên cứu những nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ 9(V)21/S552M 28. Đại tướng Lê Trọng Tấn với chiến dịch Điện Biên Phủ.- H. : Quân đội nhân dân, 2004.- 285tr; 20cm Tóm tắt: Bao gồm những công trình nghiên cứu, bài viết của cố Đại tướng Lê Trọng tấn về chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó là những trang hồi ức của cố Đại tướng về chiến dịch Điện Biên Phủ 9(V)2/Đ103T 29. Điện Biên Phủ: Tuyển tập hồi ký (Trong nước).- H. : Chính trị quốc gia, 2004.- 1053tr; 24cm Tóm tắt : Tập hợp các bài hồi ký của những người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 959.7041/Đ305B 30. Huyền thoại Điện Biên Phủ: Hướng tới kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5/1954 - 7/5/2004/ Nguyễn Thị Lâm Hảo.- H. : Văn hóa Thông tin, 2003.- 67tr; 19cm Tóm tắt: Ghi lại diễn biến trận Điện Biên Phủ trong kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta qua thơ 959.7041/H527T 31. Chiến thắng lịch sử Điện biên phủ: Một số văn kiện Đảng.- H. : Sự thật, 1984.- 150tr; 19cm Tóm tắt: Giới thiệu một số văn kiện Đảng viết về chiến thắng Điện Biên Phủ 9(V)22/CH305T 32. Đại tướng Hoàng Văn Thái với chiến dịch Điện Biên Phủ.- H. : Quân đội nhân dân, 2004.- 356tr; 20cm Tóm tắt: Gồm một số công trình nghiên cứu, bài viết và hồi ức của Đại tướng Hoàng Văn Thái về chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử 9(V)2/Đ103T 33. Thiên sử vàng Điện Biên Phủ 1954 - 2004.- H. : Nxb.Thông tấn, 2004.- 173tr: Ảnh; 24cm Tóm tắt: Giới thiệu tập sách ảnh về Điện Biên Phủ từ 1954 - 2004 9(V)2(084)/TH305S 34. 40 năm Điện Biên Phủ trên không: Qua tư liệu ảnh (1972 - 2012).- H. : Chính trị Quốc gia, 2012.- 176tr: Ảnh màu minh họa; 20cm Tóm tắt: Giới thiệu gần 200 bức ảnh tư liệu có giá trị phản ánh toàn diện trận Điện Biên Phủ trên không, một số hình ảnh về cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ từ đầu năm 1972 và chiến thắng của Hội nghị Pari về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam 959.7043/ B454M 35. Điện Biên Phủ trận đánh thế kỷ.- Tái bản có chỉnh sửa, bổ sung.- H. : Thông tin truyền thông, 2014.- 540tr: Ảnh minh họa; 24cm Tóm tắt: Tìm hiểu hoàn cảnh lịch sử, tình hình diễn biến, bài học và ý nghĩa lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 959.7041/Đ305B 36. Điện Biên Phủ trận thắng thế kỷ.- Tái bản có chỉnh sửa, bổ sung.- H. : Nxb.Thông tin và Truyền thông, 2007.- 537tr: Ảnh minh họa; 24cm Tóm tắt: Tìm hiểu về lịch sử Điện Biên Phủ qua một số bài viết, bài nghiên cứu... của các đồng chí trực tiếp chỉ huy, chiến đấu, các nhà bình luận quân sự và nghiên cứu lịch sử nước ngoài 959.7041/Đ305B 37. Tiếng sấm Điện Biên Phủ: Dư luận thế giới về chiến dịch Điện Biên Phủ/ Đỗ Thiện, Đinh Kim Khánh.- In lần thứ 3 ..- H. : Quân đội nhân dân, 1984.- 450tr; 19cm Tóm tắt: Phân tích sự ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ với thế giới và tổng hợp một số bài viết trên thế giới ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ 355(V)(09)+ 9(V)21/T306S 38. Điện Biên Phủ qua tư liệu báo chí lịch sử/ Nguyễn Văn Khoan chủ biên; Hồng Lan, Hồng Dung biên soạn.- H. : Nxb.Văn học, 2014.- 351tr; 21cm Tóm tắt: Cung cấp một số văn kiện, tư liệu lịch sử về chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 qua báo chí Việt Nam và báo chí Pháp 959.7041/Đ305B 39. Điện Biên Phủ khúc tráng ca vang mãi: Tuyển các bài đăng trên báo Nhân dân.- H. : Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2014.- 563tr; 24cm Tóm tắt: Tuyển chọn một số bài viết về diễn biến, ý nghĩa thời đại, giá trị lịch sử và niềm tự hào về chiến dịch Điện Biên Phủ 959.7041/Đ305B 40. Âm mưu của đế quốc Pháp-Mỹ trong chiến dịch Điện Biên Phủ/ Bùi Đình Thanh, Ngô Tiến Chất, Lưu Trác, Lê Gia Xứng.- H. : Sử học, 1963.- 192tr; 19cm. Tóm tắt: Phân tích âm mưu và hàng động của đế quốc Pháp, Mỹ trong chiến dịch Điện Biên Phủ 9(V)21/Â120M 41. Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ.- H. : Quân đội nhân dân, 2004.- 563tr; 27cm Tóm tắt: Trích dẫn thư của Hồ Chủ Tịch gửi quân và dân đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ. Một số bài viết, tác phẩm, hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử và một số tư liệu về chiến dịch Điện Biên Phủ. 9(V)2/Đ103T 42. Một số văn kiện chỉ đạo chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ.- H. : Quân đội nhân dân, 2004.- 636tr; 20cm Tóm tắt: Giới thiệu bộ Văn kiện chỉ đạo của Tổng quân uỷ và Bộ Quốc phòng trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ 3KV1.2/M458S 43. Kể chuyện Điện Biên Phủ 1953 - 1954/ Nguyễn Văn Khoan biên soạn và sưu tầm.- H. : Nxb.Thông tin và truyền thông, 2009.- 161tr; 20cm Tóm tắt: Tập hợp các bài bình luận về chiến thắng Điện Biên Phủ 959.7041/K250C 44. Điện Biên Phủ - Kết thúc một ảo tưởng/ Alain Ruscio.- H. : Nxb.Lao động, 2011.- 191tr; 19cm Tóm tắt: Phản ánh diễn biến tâm lý của công luận và dư luận Pháp xoay quanh diễn biến trên chiến trường Điện Biên Phủ 944.082/Đ305B 45. 40 năm nhớ lại trận "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".- H. : Chính trị Quốc gia, 2012.- 487tr; 24cm Tóm tắt: Bao gồm các bài viết, hồi ký của cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong 12 ngày đêm lịch sử nhằm tái hiện lại trận "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12 năm 1973 tại Hà Nội 959.7043/ B454M 46. Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không: Bản hùng ca thế kỷ XX.- H. : Văn hóa Thông tin, 2012.- 443tr; 27cm Tóm tắt: Tập hợp các bài viết ghi lại chiến công vĩ đại của quân và dân ta trong trận Điện Biên Phủ trên không lịch sử tại Hà Nội năm 1972 959.7043/H100N 47. Hà Nội "Điện Biên Phủ trên không" chiến thắng lương tâm, phẩm giá con người.- H. : Quân đội nhân dân, 2012.- 302tr; 20cm Tóm tắt: Toàn cảnh về cuộc chiến đấu của quân dân thủ đô Hà Nội và không khí chiến thắng hào hùng được tái hiện lại qua những trang hồi ký của một số tướng lĩnh tham gia chỉ huy trong trận chiến 12 ngày đêm lịch sử tháng 12 năm 1972 959.7043/H100N 48. 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ: Bản hùng ca thế kỷ XX.- H. : Văn hóa Thông tin, 2013.- 447tr; 27cm Tóm tắt: Tổng quan về hình thái chiến trường, diễn biến chiến dịch và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ. Sơ lược một số sự kiện diễn ra trong chiến dịch Điện Biên Phủ 959.7041/ S111M 49. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ/ Nguyễn Đức Cường, Phạm Lan Hương, Nguyễn Thị Nguyên biên soạn.- H. : Văn hóa Thông tin, 2013.- 447tr; 27cm Tóm tắt: Tìm hiểu sự lãnh đạo, chỉ đạo, những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyễn Giáp trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ qua một số bài viết, bài nghiên cứu 959.7041/CH500T 50. Điện Biên Phủ/ Võ Nguyên Giáp.- Xuất bản lần thứ 2 ..- H. : Sự thật, 1959.- 58tr; 19cm. Tóm tắt: Ghi nhận sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà đỉnh cao là thắng lợi Điện Biên Phủ. 9(V)21/Đ305B 51. Tiếng sấm Điện Biên Phủ/ Đỗ Thiện, Đinh Kim Khánh.- H. : Quân đội nhân dân, 1974.- 405tr; 19cm Tóm tắt: Tìm hiểu tầm quan trọng, sự ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ với Việt Nam và thế giới 9(V)24/ T306S 52. Đường tới Điện Biên Phủ: Hồi ức/ Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Hữu Mai thể hiện.- H. : Quân đội nhân dân, 1999.- 427tr:ảnh; 20cm Tóm tắt: Hồi ký của đại tướng Võ Nguyên Giáp về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 9(V)21/Đ561T 53. Điện Biên Phủ trận thắng thế kỷ.- H. : Chính trị Quốc gia, 2004.- 853tr; 24cm Tóm tắt: Tầm vóc vĩ đại, ảnh hưởng to lớn của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đối với dân tộc ta và nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới được phản ánh qua các dòng hồi ký, các bài nghiên cứu, tổng kết cùng các bài văn, bài thơ trong tập sách. 9(V)2/Đ305B 54. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ toàn thư/ Phan Ngọc Liên tuyển chọn.- H. : Nxb.Từ điển bách khoa, 2004.- 729tr; 20cm Tóm tắt: Tập hợp công trình nghiên cứu có giá trị của nhiều tác giả trong và ngoài nước dưới nhiều hình thức, thể loại khác nhau trên các lĩnh vực khoa học, văn học, nghệ thuật... đánh dấu một chặng đường nghiên cứu về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. 9(V)21/CH305T 55. Ngành giao thông vận tải với chiến dịch Điện Biên Phủ.- H. : Giao thông vận tải, 2014.- 226tr; 20cm Tóm tắt: Đánh giá về vai trò, thực trạng ngành giao thông vận tải từ sau Cách mạng Tháng 8 đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử và một số bài học kinh nghiệm 388.09597/ NG107G 56. Điện Biên Phủ chiến thắng của sức mạnh đoàn kết/ Khánh Linh tuyển chọn.- H. : Nxb.Hồng Đức, 2017.- 196tr; 20cm Tóm tắt: Giới thiệu những câu chuyện ngợi ca tinh thần đoàn kết, quyết tâm chiến thắng kẻ thù trong chiến dịch Điện Biên Phủ 959.7041/ Đ305B 57. Âm mưu của đế quốc Pháp, Mỹ trong chiến dịch Điện Biên Phủ/ Bùi Đình Thanh, Ngô Tiến Chất, Lưu Trác, Lê Gia Xứng sưu tầm, phiên dịch và biên soạn.- H. : Sử học, 1963.- 190tr; 19cm Tóm tắt: Phân tích những âm mưu và hàng động của đế quốc Pháp, Mỹ trong chiến dịch Điện biên phủ 9(V)21/Â120M 58. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ/ Nghiên Xuân Hiếu biên soạn.- H. : Quân đội nhân dân, 1958.- 165tr:tranh ảnh; 19cm. Tóm tắt: Tìm hiểu bài học kinh nghiệm, ý nghĩa lịch sử của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. 9(V)22/CH305T 59. Điện Biên Phủ: Qua các bài báo viết tại mặt trận.- H. : Quân đội nhân dân, 1960.- 285tr:Hình,bản; 24cm Tóm tắt: Ghi lại diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử qua các bài báo viết tại mặt trận 9(V)21-04/Đ305B 60. Điện Biên Phủ - Trang sử anh hùng.- H. : Quân đội nhân dân, 1984.- 110tr: Minh họa; 30cm Tóm tắt: Gồm các tập ảnh về chiến thắng Điện Biên Phủ 9(V)21/Đ305B 61. Bài học thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.- H. : Quân đội nhân dân, 1969.- 101tr; 19cm Tóm tắt: Tìm hiểu ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của chiến dịch Điện Biên Phủ 9(V)21/B103H 62. Điện Biên Phủ/ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.- H. : Quân đội nhân dân, 1979.- 392tr:ảnh; 19cm Tóm tắt: Tìm hiểu đường lối và tổ chức quân sự trong chiến thắng Điện Biên Phủ 9(V)21/Đ305B PHẦN III. ĐIỆN BIÊN PHỦ - QUA CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC 63. Hàng rào cuối cùng: Tập hồi ký Điện Biên Phủ.- H. : Quân đội nhân dân, 1961.- 150tr; 19cm Tóm tắt: Văn học Việt Nam V24/H106R 64. Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ký sự.- H. : Quân đội nhân dân, 1964.- 368tr; 19cm Tóm tắt: Văn học Việt Nam V24/CH305T 65. Đường tới Điện Biên Phủ/ Võ Nguyên Giáp.- H. : Quân đội nhân dân, 1999.- 427tr:ảnh; 20cm Tóm tắt: Văn học Việt Nam V24/ Đ561T 66. Đại đoàn 308 với chiến dịch Điện Biên Phủ/ Phạm Chí Nhân.- H. : Quân đội nhân dân, 2004.- 264tr; 19cm Tóm tắt: Văn học Việt Nam V24/Đ103Đ 67. Thời điểm của những sự thật: Trích hồi ký của Tướng Navarre về Điện Biên Phủ/ Henri Navarre; Nguyễn Huy Cầu.- Tái bản lần 1 ..- H. : Công an nhân dân, 2004.- 427tr; 19cm Tóm tắt: Văn học Pháp N(522)4=V/ TH462Đ 68. Lớn lên với Điện Biên: Hồi ký Điện Biên Phủ/ Thiếu uý Phạm Văn Tùng kể, Văn Phan ghi.- In lần thứ 3 ..- H. : Quân đội nhân dân, 1974.- 158tr; 19cm Tóm tắt: Văn học Việt Nam V24/L464L 69. Điện Biên Phủ thời gian và không gian: Truyện/ Hữu Mai.- H. : Thanh niên, 1984.- 131tr; 19cm Tóm tắt: Văn học Việt Nam V23/Đ305B 70. Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp/ MIJules Roy; Bùi Trân Phượng dịch.- Tái bản lần thứ 2 ..- Tp.Hồ Chí Minh. : Nxb.Tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh, 2004.- 723tr; 20cm Tóm tắt: Nhìn nhận, đánh giá của người Pháp về trận Điện Biên Phủ N(522)4=V/TR121Đ 71. Bài ca Điện Biên Phủ: Tập truyện/ Nhiều tác giả.- H. : Quân đội nhân dân, 1984.- 201tr; 19cm Tóm tắt: Văn học Việt Nam V23/B103C 72. Điện Biên Phủ tuổi trẻ và chiến công: Ký sự lịch sử/ Đặng Quang Vinh biên tập.- H. : Thanh niên, 1984.- 164tr; 19cm Tóm tắt: Văn học Việt Nam V24/Đ305B 73. Vài mẩu chuyện Tây ở Điện Biên Phủ: Truyện/ Hồ Phương.- H. : Kim đồng, 1960.- 52tr:Tranh; 19cm. Tóm tắt: Văn học Việt Nam V23/V103M 74. Vài hồi ức về Điện Biên Phủ: Hồi ký/ Võ Nguyên Giáp, Phạm Ngọc Mậu, Vũ Lăng, Nam Long ....- In lần thứ 2 ..- H. : Quân đội nhân dân, 1969.- 292tr; 19cm. Tóm tắt: Văn học Việt Nam V24/V103H 75. Điện Biên Phủ - Trang sử anh hùng.- H. : Quân đội nhân dân, 1984.- 110tr:Minh họa; 35cm Tóm tắt: Văn học Việt Nam V28/Đ305B 76. Thời điểm của những sự thật: Trích hồi ký của Tướng Nava về Điện Biên Phủ/ Henri Navarre; Nguyễn Huy Cầu dịch.- H. : Công an nhân dân, 1994.- 414tr; 19cm Tóm tắt: Văn học Pháp N(522)4=V/TH462Đ 77. Con nhím Điện Biên Phủ: Tiểu thuyết đối thoại/ Nguyễn Khắc Phục.- H. : Thanh niên, 2004.- 159tr; 19cm Tóm tắt: Văn học Việt Nam V23/C430N 78. Đường 5 Điện Biên Phủ.- Hải Hưng : Hội Văn nghệ Hải Hưng xb., 1985.- 200tr; 19cm Tóm tắt: Văn học Việt Nam 895.92283403/Đ561N 79. Tuyển tập thơ văn Điện Biên Phủ.- H. : Văn học, 2004.- 902tr; 20cm Tóm tắt: Tuyển tập các bài thơ, văn của các tác giả viết về Điện Biên Phủ T/T527T 80. Trận đầu: Truyện chiến đấu Điện Biên Phủ/ Nhiều tác giả.- H. : Quân đội nhân dân, 1960.- 71tr; 19cm. .- ( Kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội) Tóm tắt: Văn học Việt Nam V23/TR121Đ 81. Năm mươi năm ngày bão táp: Tập thơ văn kỷ niệm mười năm chiến thắng Điện Biên Phủ/ Nhiều tác giả.- H. : Văn học, 1964.- 233tr; 19cm Tóm tắt: Văn học Việt Nam V23/N114M 82. Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ký sự/ Trần Độ chủ biên, Nguyễn Viết Nhâm biên tập; Trần Cư, Hữu Mai, Lê Hào viết.- In lần thứ 2 ..- H. : Quân đội nhân dân, 1966.- 364tr; 19cm. Tóm tắt: Văn học Việt Nam V24/CH305T 83. Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ/ Võ Nguyên Giáp, Phạm Ngọc Mậu, Vũ Lăng, Nam Long ....- H. : Quân đội nhân dân, 1964.- 292tr; 19cm. Tóm tắt: Văn học Việt Nam V24/M458T 84. Cát Bi - Đường 5 - Điện Biên Phủ.- Hải Phòng. : Nxb.Hải Phòng, 1994.- 94tr:ảnh tư liệu; 19cm Tóm tắt: Văn học Việt Nam V24/C110B 85. Người người lớp lớp: Chuyện Điện Biên Phủ/ Trần Dần.- H. : Nxb.Kim Đồng, 2009.- 390tr; 20cm Tóm tắt: Văn học Việt Nam 895.922334/NG558N 86. Điện Biên Phủ không gian và thời gian/ Hữu Mai.- H. : Thanh niên, 1979.- 144tr; 19cm Tóm tắt: Văn học Việt Nam V23/Đ305B 87. Điện Biên Phủ một góc địa ngục/ Bernad B.Fall; Vũ Trấn Thủ dịch.- H. : Công an nhân dân, 2004.- 816tr; 19cm Tóm tắt: Văn học Pháp N(522)4=V/Đ305B 88. Không phải huyền thoại: Tiểu thuyết lịch sử đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ/ Hữu Mai.- Tái bản lần thứ 2.- Tp.Hồ Chí Minh. : Nxb.Trẻ, 2009.- 569tr; 24cm Tóm tắt: Văn học Việt Nam 895.922334/KH455P 89. Điện Biên Phủ những ký ức hào hùng/ Khánh Linh tuyển chọn.- H. : Nxb.Hồng Đức, 2017.- 191tr; 20cm Tóm tắt: Văn học Việt Nam 895.92233408/Đ305B 90. Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ký sự/ Trần Độ chủ biên, Mai Trọng Trường viết; Đoàn Trung Hy, Lê Hợi ... sưu tầm, nghiên cứu tài liệu.- H. : Quân đội Nhân dân, 1964.- 367tr:ảnh,bản đồ; 19cm Tóm tắt: Văn học Việt Nam V24/CH305T 91. Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ký sự.- H. : Quân đội nhân dân, 1971.- 321tr; 19cm Tóm tắt: Văn học Việt Nam V24/CH305T 92. Đường tới Điện Biên Phủ: Hồi ức/ Võ Nguyên Giáp; Hữu Mai thể hiện.- In lần thứ 2 có sửa chữa bổ sung ..- H. : Quân đội nhân dân, 2001.- 380tr:ảnh chân dung; 20cm Tóm tắt: Văn học Việt Nam V24/Đ561T 93. Trận Điện Biên Phủ nhìn từ hai phía/ Lê Kim.- H. : Thanh niên, 1994.- 439tr; 19cm Tóm tắt: Văn học Việt Nam V24/TR121Đ 94. Điện biên phủ nhân chứng sự kiện/ Vũ Hải Đăng sưu tầm.- H. : Quân đội nhân dân, 2004.- 328tr; 19cm Tóm tắt: Văn học Việt Nam V24/Đ305B 95. Điện Biên Phủ tuổi trẻ lập công.- H. : Thanh niên, 2004.- 259tr; 19cm Tóm tắt: Văn học Việt Nam V24/Đ305B 96. Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử/ Võ Nguyên Giáp; Hữu Mai thể hiện.- H. : Nxb.Kim đồng, 2004.- 375:ảnh chân dung; 19cm Tóm tắt: Văn học Việt Nam V24/Đ305B 97. Người người lớp lớp: Chuyện Điện Biên Phủ/ Trần Dần.- H. : Hội nhà văn, 2004.- 330tr; 19cm Tóm tắt: Văn học Việt Nam V23/NG558N 98. Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ: Hồi ký/ Nhiều tác giả.- H. : Quân đội nhân dân, 1964.- 282tr; 19cm Tóm tắt: Văn học Việt Nam V24/M458V 99. Điện Biên Phủ điểm hẹn của lịch sử: Hồi ức/ Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Hữu Mai thể hiện.- H. : Quân đội nhân dân, 2000.- 476tr:ảnh; 20cm Tóm tắt: Văn học Việt Nam V24/Đ305B |