Thư mục chuyên đề
Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Hải Dương lần thứ 2 (31/5/1957) và 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Hải Dương lần thứ 4 (26/7/1962)
(Cập nhật: 26/05/2022)
 

THƯ MỤC SỰ KIỆN

 

Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Hải Dương lần thứ 2 (31/5/1957)

và 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Hải Dương lần thứ 4 (26/7/1962)

   

                                    TIỂU SỬ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh (tên lúc nhỏ là Nguyễn Sinh Cung, tên khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng trước đây lấy tên là Nguyễn Ái Quốc), sinh ngày 19/5/1890 ở làng Kim Liên, xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; mất ngày 02/9/1969 tại Hà Nội.

Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, lớn lên ở một địa phương có truyền thống anh dũng chống giặc ngoại xâm. Sống trong hoàn cảnh đất nước chìm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, thời niên thiếu và thanh niên của mình, Hồ Chí Minh đã chứng kiến nỗi khổ cực của đồng bào và những phong trào đấu tranh chống thực dân, Hồ Chí Minh sớm có chí đuổi thực dân, giành độc lập cho đất nước, đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào.

Với ý chí và quyết tâm đó, tháng 6/1911, Hồ Chí Minh đã rời Tổ quốc đi sang phương Tây để tìm con đường giải phóng dân tộc.

Ngày 03/6/1911, Nguyễn Tất Thành nhận thẻ nhân viên lên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin với cái tên là Văn Ba. Hai ngày sau, 05/6/1911 con tàu rời cảng Nhà Rồng đến Pháp.

Từ năm 1912 - 1917, dưới cái tên Nguyễn Tất Thành, Hồ Chí Minh đến nhiều nước ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, sống hoà mình với nhân dân lao động. Qua thực tiễn, Hồ Chí Minh cảm thông sâu sắc cuộc sống khổ cực của nhân dân lao động và các dân tộc thuộc địa cũng như nguyện vọng thiêng liêng của họ. Hồ Chí Minh sớm nhận thức được cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam là một bộ phận trong cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới và tích cực hoạt động nhằm đoàn kết nhân dân các dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do.

Cuối năm 1917, Hồ Chí Minh từ Anh trở lại Pháp, hoạt động trong phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp.

Năm 1919, lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Hồ Chí Minh đã gửi tới Hội nghị Vécxây (Versailles) bản yêu sách đòi quyền tự do cho nhân dân Việt Nam và cũng là quyền tự do cho nhân dân các nước thuộc địa.

Dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp và bỏ phiếu tán thành Đảng gia nhập Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản), trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ một người yêu nước trở thành một người cộng sản, Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Năm 1921, cùng với một số người yêu nước của các thuộc địa Pháp, Nguyễn Ái  Quốc tham gia sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa. Tháng 4/1922, Hội xuất bản báo “Người cùng khổ” (Le Paria) nhằm đoàn kết, tổ chức và hướng dẫn phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Nhiều bài báo của Nguyễn Ái Quốc đã được đưa vào tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, xuất bản tại Paris năm 1925. Đây là một công trình nghiên cứu về bản chất của chủ nghĩa thực dân, góp phần thức tỉnh và cổ vũ nhân dân các nước thuộc địa đứng lên tự giải phóng.

Tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc từ Pháp sang Liên Xô, làm việc tại Quốc tế Cộng sản. Tháng 10/1923, tại Hội nghị Quốc tế Nông dân lần thứ nhất, Nguyễn Ái Quốc được bầu vào Hội đồng Quốc tế Nông dân và là đại biểu duy nhất của nông dân thuộc địa được cử vào Đoàn Chủ tịch của Hội đồng. Tiếp đó tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V, Đại hội Quốc tế Thanh niên lần thứ IV, Đại hội Quốc tế Công hội đỏ. Tại các đại hội, Nguyễn Ái Quốc kiên trì bảo vệ và phát triển sáng tạo tư tưởng của V.I. Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, hướng sự quan tâm của Quốc tế Cộng sản tới phong trào giải phóng dân tộc.

Tháng 11/1924, với tư cách là Uỷ viên Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản và Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc). Tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc làm việc trong đoàn cố vấn Bôrôđin của Chính phủ Liên Xô bên cạnh Chính phủ Tôn Dật Tiên.

Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trực tiếp mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cách mạng, ra tuần báo “Thanh niên”, tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện được tập hợp in thành sách “Đường Kách mệnh” -  một văn kiện lý luận quan trọng đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam.

Tháng 5/1927, Nguyễn Ái Quốc rời Quảng Châu đi Mátxcơva (Liên Xô), sau đó đi Béclin (Đức), đi Brúcxen (Bỉ), tham dự phiên họp mở rộng của Đại hội đồng Liên đoàn chống chiến tranh đế quốc, sau đó đi Ý và từ đây về châu Á.

Từ tháng 7/1928 đến tháng 11/1929, Nguyễn Ái Quốc hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước ở Xiêm (Thái Lan), tiếp tục chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 2/1930, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị thành lập Đảng họp tại Cửu Long, thuộc Hồng Kông (Trung Quốc). Hội nghị đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam.

Tháng 6/1931, Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền Anh bắt giam tại Hồng Kông. Đầu năm 1933, Nguyễn Ái Quốc được trả tự do.

Từ năm 1934 đến năm 1938, Nguyễn Ái Quốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc thuộc địa tại Mátxcơva (Liên Xô). Kiên trì con đường đã xác định cho cách mạng Việt Nam, Người tiếp tục theo dõi, chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước.

Tháng 10/1938, Người rời Liên Xô sang Trung Quốc, bắt liên lạc với tổ chức Đảng chuẩn bị về nước.

Ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc về nước sau hơn 30 năm xa Tổ quốc.

Tháng 5/1941, Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quyết định đường lối cứu nước trong thời kỳ mới, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh), tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang giải phóng, xây dựng căn cứ địa cách mạng.

Tháng 8/1942, lấy tên là Hồ Chí Minh, Người đại diện cho Mặt trận Việt Minh và Phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội Quốc tế chống xâm lược sang Trung Quốc tìm sự liên minh quốc tế, cùng phối hợp hành động chống phát xít trên chiến trường Thái Bình Dương. Người bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam trong các nhà lao của tỉnh Quảng Tây. Trong thời gian một năm 14 ngày bị tù, Người đã viết tập thơ “Nhật ký trong tù” với 133 bài thơ chữ Hán. Tháng 9/1943, Hồ Chí Minh được trả tự do.

Tháng 9/1944, Hồ Chí Minh trở về căn cứ Cao Bằng. Tháng 12/1944, Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tháng 5/1945, Hồ Chí Minh rời Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang). Tại đây theo đề nghị của Hồ Chí Minh, Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân đã họp quyết định Tổng khởi nghĩa. Đại hội Quốc dân đã bầu ra Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Tháng 8/1945, Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập”, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và ra mắt Chính phủ lâm thời do Người làm Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; tổ chức Tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam.

Ngày 01/01/1946, Chính phủ liên hiệp lâm thời được thành lập do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Tháng 01/1946, Quốc hội khóa I đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 02/3/1946, Chính phủ liên hiệp kháng chiến được thành lập do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Ngày 3/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh được Quốc hội giao nhiệm vụ thành lập Chính phủ mới do Người làm Chủ tịch nước kiêm Thủ tướng Chính phủ (từ 11/1946 đến 9/1955) và kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (từ 11/1946 đến 1947).

Cùng với Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam phá tan âm mưu của đế quốc, giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng.

Ngày 19/12/1946, người kêu gọi cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, bảo vệ và phát triển những thành quả của Cách mạng Tháng Tám.

Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (1951), Người được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đã giành được thắng lợi to lớn, kết thúc bằng chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ (7/5/1954).

Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng (1955) Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

Tháng 10/1956, tại Hội nghị Trung ương mở rộng lần thứ X (khóa II), Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng, kiêm làm Tổng Bí thư của Đảng.

Tại Đại hội lần thứ III của Đảng (1960) đã nhất trí bầu lại Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.

Quốc hội khóa II, khóa III đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm 1964, đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam. Người động viên toàn thể nhân dân Việt Nam vượt mọi khó khăn gian khổ, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Người khẳng định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quí hơn độc lập, tự do! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh mất ngày 02/9/1969, tại Hà Nội.

Trước khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho nhân dân Việt Nam bản Di chúc lịch sử, căn dặn những việc Đảng và nhân dân Việt Nam phải làm để xây dựng đất nước sau chiến tranh. Người viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ, buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân đội Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Mùa xuân năm 1975, với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân Việt Nam đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thực hiện mong ước thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, đề ra đường lối đúng đắn đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người sáng lập ra Đảng Mácxít - Lêninnít ở Việt Nam, sáng lập ra Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, sáng lập ra các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và sáng lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, góp phần tăng cường đoàn kết quốc tế. Người là tấm gương sáng của tinh thần tập thể, ý thức tổ chức và đạo đức cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam, một chiến sĩ xuất sắc, một nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc

Từ ngày 20/10 đến ngày 20/11/1987, trong khóa họp lần thứ 24 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết số 24C/18.6.5, lấy năm 1990 nhân dịp Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, để tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là "Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam", góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, hội nhập với thế giới, tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam và dân tộc Việt Nam, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

 

 

BÁC HỒ VỚI HẢI DƯƠNG – NHỮNG NGÀY THÁNG GHI NHỚ

 

Ngày 15/10/1945

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các cháu nhi đồng huyện Cẩm Giàng, khen và cảm ơn các cháu đã góp tiền vào quỹ học tập.

 

Ngày 21/10/1946

Sau khi đàm phán ở Pháp về, trên đường từ Hải Phòng đi Hà Nội, Bác đã dừng lại ở ga Lai Khê (Kim Thành) và ga Hải Dương. Tại Hải Dương, Bác đã nói chuyện với cán bộ và nhân dân thị xã.

 

Ngày 10/11/1947

Hồ Chủ Tịch gửi thư cho Giám đốc và toàn thể giáo viên bình dân học vụ Quân khu III. Bác đã khen ngợi tỉnh Hải Dương có 6 làng mà tất cả nhân dân đều biết chữ.

 

Đầu năm 1948

Hồ Chủ Tịch gửi thư khen báo “Xung phong” – cơ quan của trẻ em yêu nước tỉnh Hải Dương.

 

Tháng 3/1948

          Bác Hồ gửi thư cho đội du kích Kim Thành. Gửi thư cho ông Đỗ Như Thìn – lão du kích làng Tuấn Kiệt, phủ Bình Giang.

         

          Tháng 4/1948

          Văn phòng Chủ tịch chuyển khen thưởng của Bác Hồ đến đội Việt Hùng – Ty Công an Hải Dương vì có thành tích trừ gian.

         

          Tháng 12/1948

          Hồ Chủ Tịch gửi thư khen ngợi anh em du kích huyện Kim Thành.

 

          Năm 1948

          Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen báo “Khói lửa” – cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ tỉnh Hải Dương.

         

          Năm 1952

          Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Tỉnh ủy Hải Dương 2 cuốn “Tỉnh ủy bí mật” (Nội dung cuốn sách tổng kết kinh nghiệm chiến tranh du kích của một tỉnh ở Liên Xô do Người dịch và đề tựa).

 

          Ngày 15/11/ 1953

          Hồ Chủ Tịch kí Sắc lệnh Số 193, thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho:

- Huyện Gia Lộc có thành tích: đoàn kết đấu tranh chống địch dồn làng, bắt lính, thu thuế, đã phối hợp với các chiến trường chính áp dụng lối đánh du kích tiêu diệt nhiều sinh lực địch, thu được nhiều vũ khí và bức địch phải rút 29 vị trí, mở rộng được nhiều khu du kích.

- Huyện Cẩm Giàng đã bền bỉ vượt mọi khó khăn xây dựng lực lượng vũ trang lớn mạnh, phá hủy 28 tháp canh, tiêu diệt trên 400 tên địch, vận động được 630 ngụy binh bỏ hàng ngũ giặc, tranh đấu buộc địch phải trả 250 thanh niên bị bắt và vận chuyển nhiều vũ khí cho bộ đội.

 

 

Tháng 5/1955

Báo Nhân dân số ra ngày 21/4 /1955, đăng bài thơ của Hồ Chủ Tịch lấy bút danh C.B với tiêu đề: “Nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi”. (Nữ anh hùng lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống thực dân Pháp – quê ở xã Nam Tân, Nam Sách).

 

Ngày 31/5/1957

Trên đường đi thăm Hải Phòng về Hà Nội, Hồ Chủ Tịch đã qua thăm tỉnh Hải Dương. Người thăm xã Ái Quốc (Nam Sách) và nói chuyện với nhân dân thị xã Hải Dương và đến thăm Viện Quân y 7.

 

Năm 1958

Khối dân công tỉnh Hải Dương được nhận lá cờ “Thi đua khá nhất” của Hồ Chủ Tịch trong đợt thi đua đầu tiên trên công trường đại thủy nông Bắc – Hưng – Hải.

 

Ngày 9/3/1959

Hồ Chủ Tịch ký Sắc lệnh Số 018-SL tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho đồng bào và cán bộ xã Hiệp An (Kinh Môn) đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất vụ mùa năm 1958.

 

Ngày 1/4/1959

Sau khi đi thăm các tỉnh Hồng Quảng, Hải Phòng, Hồ Chủ Tịch về Hải Dương. Người gặp mặt thân mật các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các huyện, thị xã. Người nói về nhiệm vụ cần thực hiện của tỉnh nhà: Phải có tổ chức lao động cho tốt để nâng cao năng suất lao động, bảo đảm kế hoạch nhà nước giao, củng cố các tổ chức công cho vững mạnh, bảo đảm đúng chính sách của Đảng, thực hiện tốt công tác chống bão lụt và đê điều.

 

 

Tháng 7/1960

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Chi đoàn thanh niên xã Phương Hưng (Gia Lộc) chiếc máy cấy do nước bạn Trung Quốc tặng Người.

 

Tháng 11/1960

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ thi đua luân lưu cho tỉnh Hải Dương vì có thành tích công tác thủy lợi.

 

Ngày 14/2/1961

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh Số 6- LCT, thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho: Tỉnh Hải Dương có thành tích điều tra dân số tốt năm 1960; Mỏ đất cao lanh (Hải Dương) và công trường Nhà máy sứ Hải Dương có thành tích thi đua thực hiện tốt kế hoạch Nhà nước năm 1960.

 

Tháng 4/1061

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng cho tỉnh Hải Dương Huân chương Lao động hạng Nhì về thành tích làm thủy lợi.

 

Ngày 3/6/1961

Bác Hồ ký Sắc lệnh Số 30-LCT thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho hợp tác xã Đông Thành (sản xuất bát sứ) Hải Dương đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1960.

 

Ngày 26/7/1962

Bác Hồ về thăm tỉnh Hải Dương. Người nói chuyện với cán bộ và nhân dân Hải Dương tại sân Vọng Cung (nay là Nhà hát nhân dân). Người về thăm bà con nông dân các xã Ứng Hòe, Hiệp Lực (Ninh Giang). Tại xã Hiệp Lực, Người đã lên đạp guồng nước cùng nhân dân chống úng.

Buổi chiều, Người thăm Nhà máy sứ Hải Dương

Cán bộ và nhân dân xã Hồng Thái (Ninh Giang) được nhận cờ luân lưu của Hồ Chủ tịch vì có thành tích trong công tác thủy lợi.

 

Ngày 6/4/1964

Hồ Chủ Tịch ký Sắc lệnh Số 54-LCT thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho cán bộ và nhân dân huyện Nam Sách vì có thành tích xuất sắc trong việc chấp hành chính sách lương thực của Nhà nước.

 

Ngày 15/2/1965

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm xã Hồng Thái (Ninh Giang), nơi có phong trào thủy lợi giỏi; thăm xã Nam Chính (Nam Sách), nơi có phong trào vệ sinh khá và thăm khu di tích danh thắng Côn Sơn (Chí Linh).

 

 

Tháng 7/1965

Tỉnh Hải Dương được nhân cờ thi đua luân lưu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thủy lợi 6 tháng đầu năm của các tỉnh đồng bằng Trung Du.

 

Tháng 8/1965

Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tặng thưởng cho nhân dân và cán bộ tỉnh Hải Dương 11 Huân chương Lao động vì có thành tích làm thủy lợi, sản xuất và công tác khác trong 2 năm 1963, 1964; Huân chương Lao động hạng Nhì cho xã Hồng Thái (Ninh Giang); Huân chương Lao động hạng Ba cho xã Ứng Hòe (Ninh Giang), HTX Hiệp An (Kinh Môn), HTX Sồi Tó (xã Thái Học, Bình Giang); Công ty Thực phẩm Hải Dương, Chi nhánh Ngân hàng Hải Dương, Phòng Tài nguyên huyện Thanh Miện, xã Long Xuyên (Kinh Môn).

 

Ngày 2/12/1965

Bộ Tư lệnh Quân khu Ba đã trao tặng cờ luân lưu “Quyết tâm đánh giặc Mỹ xâm lược” của Hồ Chủ Tịch cho cán bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương.

 

Năm 1966

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho xã viên và cán bộ hợp tác xã Đại Xuân, xã Ứng Hòe (Ninh Giang).

 

Ngày 22/3/1966

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh Số 29-LCT thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho nhân dân và cán bộ tỉnh Hải Dương đã lập nhiều thành tích xuất sắc trong việc hoàn thành trước thời hạn kế hoạch bổ túc văn hóa 5 năm lần thứ nhất và căn bản xóa xong nạn mù chữ ở vùng núi.

 

 

 

BÁC HỒ VỚI HẢI DƯƠNG QUA TƯ LIỆU SÁCH, BÁO

 

1. Bác Hồ với Hải Dương.- Hải Dương.: Hội VHNT Hải Dương, 2000. - 145tr.; 19cm

        Tóm tắt: Gồm những tư liệu,hồi ký về Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Hải Dương

 

 

2. NGÔ BÁ TOẠI. Bác hồ với Hải Dương // Tạp chí "Lịch sử Đảng".- Tháng 6/2000.- Số 6.- Tr.34

        Tóm tắt: Viết về tình cảm của Bác Hồ và những lần Bác về thăm Đảng bộ và nhân dân Hải Dương.

 

3. Bác Hồ với Hải Dương.- Hải Dương.: Hội Văn học nghệ thuật Hải Dương xb., 2000. - 148tr; 19cm

        Tóm tắt: Ghi lại những kỷ niệm khi Bác Hồ về thăm Hải Dương

       

4. Bác Hồ với Hải Dương, Hải Dương với Bác Hồ.- H.: Nxb.Thông tấn, 2008. - 439tr: Ảnh minh họa; 20cm

        Ban Thường vụ tỉnh uỷ Hải Dương

          Tóm tắt: Tập hợp những bức thư, bài viết, lời dạy ... của Bác đối với Hải Dương và tình cảm của cán bộ, nhân dân Hải Dương đối với Bác bằng những tư liệu, tác phẩm viết về Người

       

5. NGÔ THỊ BA. Báo "Xung phong" quà biếu Bác Hồ Tết Mậu Tý (1948) // "Sự kiện và nhân chứng",1996,Số 2,Tr.14

        Tóm tắt: Giới thiệu về số báo Tết do tổ chức trẻ em yêu nước tỉnh Hải Dương biếu Bác Hồ nhân dịp Xuân Mậu Tý (1948)

 

6. NGUYỄN ĐÌNH CAO. Bác thăm chùa Côn Sơn // Cựu chiến binh Việt nam.- 18/1/1996

        Tóm tắt: Ghi lại lần Bác Hồ về thăm chùa Côn sơn

 

7. NGUYỄN HỮU PHÁCH. 40=Bốn mươi năm trước lần đầu Bác Hồ về thăm thành phố Hải Dương // Hải Dương.-  30/10/1957.- Số 130.- Tr.3- 4

        Tóm tắt: Viết về chuyến thăm thị xã Hải Dương cách đây 40 năm của Bác Hồ, ngày 31 tháng 5 năm 1957

 

8. NGUYỄN SĨ CHUNG. "Vụ lúa Bác Hồ" // Nguyệt san "Nhân dân hàng tháng”.- Tháng 3/2000.- Số 35.- Tr.2

        Tóm tắt: Kể về sự kiện Bác Hồ về thăm cán bộ và nhân dân huyện Ninh Giang năm 1963 và thăm bà con nông dân xã Ứng Hoè. Bác đã động viên khuyến khích nông dân áp dụng tiến bộ KHKT để nâng cao năng suất lúa

 

9. TÔ KIM TRỌNG. Nhớ lại một lần đi chụp ảnh Bác Hồ // Nông nghiệp Việt Nam.- 17/5/2001.- Số 79.- Tr.8-9

        Tóm tắt: Tập hợp những bức ảnh chụp lần Bác về thăm Hải Dương, đây  là nhân chứng lịch sử còn lưu giữ mãi cùng thời gian

 

10. TRỊNH TỐNG LONG. Bác Hồ chuẩn bị tư liệu viết "Tuyệt đối bí mật": Kỷ niệm 114 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2004) // Sức khoẻ và Đời sống.- 18/5/ 2004.- Số 60.- Tr.13

        Tóm tắt: Chủ tịch Hồ Chí Minh sau chuyến viếng thăm đền thờ Nguyễn Trãi tại Côn Sơn đã viết bản Di chúc trước lúc đi xa với mật danh "Tuyệt đối bí mật".

       

11. XUÂN PHONG. Người được Bác Hồ tặng 8 chữ vàng // Lao động xã hội.- 19/1/2000.- Tr.5

        Tóm tắt: Viết về thành tích của ông Trần Chọt, một du kích ở Tứ Kỳ - Hải Dương trong kháng chiến chống Pháp được Hồ Chủ tịch khen tặng 8 chữ vàng

 

 

 

 
Các bài liên quan
CHÀO MỪNG BẦU CỬ QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ HĐND CÁC CẤP (NHIỆM KỲ 2016 - 2021) (19/05/2021)
THƯ MỤC CHUYÊN ĐỀ: CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH (26/31931 – 26/3/2021) (25/03/2021)
Nữ nhà giáo ưu tú tỉnh Hải Dương (13/08/2020)
Phòng chống đẩy lùi dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra (07/02/2020)
Đảng Cộng sản Việt Nam: Đảng bộ tỉnh hải Dương từ Đại hội đến Đại hội (1930 - 2020) (03/02/2020)
 
Quay lạiXem tiếp   
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 
 
LƯỢT TRUY CẬP
 
 
 Hôm nay372 
 Hôm qua715
 Tuần này4063 
 Tất cả1289745 
IP: 34.239.152.207