
Kể từ kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 1 (tháng 10/1946), khi Quốc hội Việt Nam chưa đầy tuổi mụ, những phát biểu chất vấn trong Quốc hội Việt Nam đã xuất hiện để mở đầu cho một nền nghị trường dân chủ đích thực, tiên tiến, văn minh. Những khóa Quốc hội kế tiếp đến nay vẫn phát huy được truyền thống dân chủ ấy. Những phát biểu của các nghị sĩ trong buổi chất vấn được lưu truyền thành những phát ngôn gây ấn ấn tượng hoặc được ghi chép trong phòng lưu trữ Quốc hội, làm thành kho tư liệu quý giá về lịch sử của Quốc hội Việt Nam, được bảo quản theo chế độ lưu trữ quốc gia. Hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn, phát biểu, phát ngôn của đại biểu diễn ra liên tục không chỉ trong các kỳ họp Quốc hội mà còn trong thời gian giữa các kỳ họp, cả trong hoạt động giám sát của các đại biểu ở địa phương. Những phát biểu, phát ngôn, chất vấn trong Quốc hội là biểu hiện sinh động của chức năng giám sát của Quốc hội Việt Nam xoay quanh những vấn đề nóng bỏng của đất nước trong từng thời kỳ phát triển. Những điều cả nước cùng quan tâm, toàn dân đều trông đợi người đại biểu của mình sẽ nói thay. Trong các kỳ họp Quốc hội, cả hội trường và ngoài hành lang, cả khi chuẩn bị và những trong những ngày làm việc hay khi đã kết thúc kỳ họp, phát ngôn, phát biểu của nghị sĩ không chỉ là cá nhân người nghị sĩ mà còn là tiếng nói của người đại biểu của dân, tiếng nói của dân vừa là tiếng nói vì dân, do dân, vừa có tác động trực tiếp đến dân. Những câu chuyện về chất vấn và phát ngôn trong Quốc hội đầu từ Quốc hội đầu tiên đến nay rất nhiều và phong phú, đó là minh chứng cho một niềm tự hào chính đáng về nền dân chủ nghị trường Việt Nam thời hiện đại. |