Nguyễn Trãi, hiệu là Ức Trai, là con của ông Nguyễn Phi Khanh và bà Trần Thị Thái, cháu ngoại của tướng công Băng Hồ Trần Nguyên Đán. Sinh ở Thăng Long, nhưng chính quê ở làng Nghị Khê, huyện Thượng Phúc, nay là thôn Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Đỗ Thái học sinh năm 1400 làm quan Ngự sử đài chánh chưởng dưới triều Hồ. Nhà Hồ mất, ông bị quân Minh giam lỏng ở Đông Quan, sau thoát được, vào Lam Sơn theo Lê Lợi khởi nghĩa. Tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, ông đã dâng chiến lược Bình Ngô sách, giúp việc quân, thảo thư từ giao thiệp với quân Minh, kiên trì chiến lược tâm công cho đến khi khởi nghĩa thắng lợi. Nhà Lê mở nước, ông là công thần khai quốc, được phong tước Quan phục hầu, ban quốc tính. Có lúc bị gièm pha, bị giam giữ rồi phải về nghỉ ở Côn Sơn (Hải Dương), nhưng sau lại được tiến ra làm Nhập nội hành khiển, giúp vua Lê Thánh Tông (1434). Năm 1442, nhà vua đi duyệt binh, ghé thăm nhà ông, rồi về kinh, trên đường đến Lệ Chi Viên thì mất. Triều đình ghép tội ông đã cho vợ (Nguyễn Thị Lộ) đầu độc nhà vua, nên cả nhà bị tru di tam tộc. Đến 1464, được Lê Thánh Tông minh oan, truy phong quan tước. Nguyễn Trãi là một nhà tư tưởng lớn của thời đại. Bản Bình Ngô đại cáo của ông khẳng định chủ quyền của quốc gia, nêu cao truyền thống bất khuất và làm sáng tỏ tư tưởng nhân nghĩa: "Đem đại nghĩa thắng hung tàn". Ông cũng là người đầu tiên trong lịch sử văn học và lịch sử tư tưởng Việt Nam nói đến dân đen con đỏ một cách thiết tha, cảm động. Tư tưởng vì dân còn trở lại nhiều lần trong tập thơ Quốc âm thi tập. Hiện nay, tác phẩm này là tập thơ nôm cổ nhất của nước ta. Là một nhà chính trị, nhà tư tưởng, Nguyễn Trãi còn là một nhà thơ. Ngoài thơ quốc âm, ông viết nhiều thơ chữ Hán được chép trong Ức Trai thi tập. Tập thơ này, khi ông bị xử oan, đã mai một, mãi sau này, nhờ có công sưu tầm của Dương Bá Cung mới được khôi phục lại (đã được công bố và dịch). Hồn thơ lai láng, tư tưởng cao đẹp, chữ dùng điêu luyện, chứng tỏ một giá trị lớn. Cuộc đời Nguyễn Trãi, ngay từ lúc ông còn sống, đã là tấm gương sáng, khiến người đương thời phải cảm phục. Ông luôn luôn ý thức: "Lo trước thiên hạ, hưởng sau thiên hạ", đúng như lời thơ ông viết: "Bình sinh độc bão tiên u niệm" (Suốt đời chỉ tâm niệm chí tiên u). Nguyễn Mộng Tuân (người đồng thời với ông) đã nói hộ mọi người ý nghĩ tôn vinh ông, xem ông như "một vị tiên trong gác vàng". Lê Thánh Tông đánh giá ông rất cao: ức Trai tâm thượng quang khuê tảo (Văn chương rực rỡ tấm lòng Ức Trai). Nguyễn Trãi còn là một nhà giáo, một người thầy đa năng: - Người thầy chỉ đạo việc giáo dục cho cả nước: Cũng như nhiều nhà khoa bảng trước đây, Nguyễn Trãi được các triều vua ủy nhiệm cho việc đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Dưới triều Lê, ông đã được giao việc chấm thi. Kỳ thi mà Nguyễn Trực được lấy đỗ Trạng nguyên, là kỳ thi do Nguyễn Trãi ra đề và trực tiếp chấm bài cùng nhiều giám khảo khác. Ông còn được giao phụ trách việc Tri tam quán sự. Ông cùng các học giả khác, chỉ đạo việc in lại các sách vở dùng cho việc học tập, xem lại các cách thức khảo hạch, các phép thi... - Nguyễn Trãi còn là người giáo viên mẫu giáo, là thầy của đám nhi đồng thiếu niên. - Người thầy dạy lễ nhạc: Nguyễn Trãi là người được các vua Lê Thái Tổ và Lê Thái Tông giao cho việc nghiên cứu về lễ nhạc. Ông nhận thức rất đúng quan điểm tư tưởng về nhạc trên cơ sở lý thuyết vì dân. Ông cho rằng: gốc của nhạc là ở tâm tình của người dân. Nguyễn Trãi ý thức rằng: "Dùng nhạc không phải để chơi vui, mà chính để uốn nắn lòng người, chăm lo đời sống". Về phần lễ, ông có viết cuốn Giao tự đại lễ, nhưng nay đã bị mai một. - Người thầy dạy đạo đức: Ông không viết riêng một cuốn sách nào về đạo đức học, nhưng trong bản Quốc âm thi tập thì có nhiều bài răn dạy, đặc biệt là 56 bài thơ dưới đầu đề là Bảo kính cảnh giới. Ông cũng có "hậu tự huấn" viết giúp vua để giáo dục thái tử. - Thầy giáo của những bộ môn khoa học khác: Ông là soạn giả cuốn Dư địa chí, là cuốn sách đầu tiên của nước ta, ghi chép tình hình địa lý thiên nhiên, nhân văn và kinh tế Việt Nam từ thế kỷ XV trở về trước. Nhìn chung văn học, sử học Việt Nam ở lĩnh vực nào cũng thấy có sự đóng góp của ông với tư cách là một bậc thầy và đều ở vị trí mở đầu với trình độ xuất sắc. Nguyễn Trãi xứng đáng là người thầy, là nhà giáo dục Việt Nam trong cả phạm vi học thuật và phạm vi đời sống bình thường. Vị trí ấy của ông là một vị trí danh dự. Nguyễn Hằng (st) (Nguồn trích: Nhân vật lịch sử Hải Dương) |