Đất và người Hải Dương
Quảng trường Độc Lập (thành phố Hải Dương), nơi tổ chức mít tinh giành chính quyền ở thành phố Hải Dương năm 1945 và tuyên bố giải phóng thị xã Hải Dương năm 1954
(Cập nhật: 16/08/2018)
 

Quảng trường Độc Lập nằm trên địa bàn của phường Trần Hưng Đạo, thành phố Hải Dương, là khu vực ngã 5 nơi giao cắt của 5 tuyến phố chính đó là Đại lộ Trần Hưng Đạo, Đại lộ Hồ Chí Minh, phố Phạm Hồng Thái, phố Hoàng Hoa Thám và đường Hồng Quang.

Quảng trường Độc Lập trước khi có tên gọi như ngày nay đã nhiều lần đổi tên. Trước Cách mạng tháng Tám nơi đây có tên là vườn hoa Bảo Đại (còn gọi là Quảng trường Bảo Đại). Sau khi ta giành được chính quyền, đổi tên thành vườn hoa Độc Lập, đến ngày 28/6/2004, theo Quyết định số 2578/QĐ-UB của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương, vườn hoa Độc lập được đổi thành Quảng trường Độc Lập.

Tại vị trí của Quảng trường Độc Lập ngày nay, trong lịch sử hình thành và phát triển lâu dài đã gắn với rất nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Vào thời Minh Mạng, nơi đây là khu đất nằm giữa Đông Môn (cửa phía đông) của Thành Đông và Đông Kiều phố. Đến năm 1923, Toàn quyền Đông Dương quyết định thành lập thành phố Hải Dương, nơi đây trở thành một ngã tư. Tại ngã tư này, người Pháp cho xây dựng một vườn hoa nhỏ nhưng khá đẹp với bốn cổng vòm lớn nhìn về  bốn hướng. Năm 1933, trong một lần vua Bảo Đại đi qua Hải Dương, vườn hoa này đã được đặt tên là Vườn hoa Bảo Đại, sau đó xuất hiện tên gọi Quảng trường Bảo Đại. Năm 1941, viên Công sứ Pháp có tên Mátsimi cho đắp con đường đất từ Quảng trường Bảo Đại thẳng đến nhà ga xe lửa, do đó Quảng trường này đã trở thành ngã năm từ đó cho đến nay.

- Chiều ngày 17/8/1945, Việt Minh đã lãnh đạo nhân dân tại thành phố Hải Dương biểu tình, tuần hành khởi nghĩa giành chính quyền. Đoàn biểu tình của quần chúng thành phố diễu qua các phố chính với lá cờ đỏ sao vàng dẫn đầu rồi dừng lại ở vườn hoa Bảo Đại tổ chức mít tinh. Ông Bạch Năng Thi một nhà giáo yêu nước, đại diện Việt Minh đứng lên nói về 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh, báo tin Nhật đầu hàng đồng minh và tuyên bố xoá bỏ chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời tại thành phố Hải Dương. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thành phố Hải Dương có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Nó làm cho bọn nguỵ quyền và các tổ chức phản động ở địa phương càng thêm hoang mang, rệu rã, tất thảy nhân dân đều vui mừng, nô nức trong không khí chiến thắng của cách mạng. Ngày 17/8/1945 trở thành dấu mốc lịch sử quan trọng đánh dấu thắng lợi của Hải Dương trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Hải Dương là một trong bốn tỉnh giành được chính quyền tại tỉnh lỵ sớm nhất trong cả nước. Sau khi giành được chính quyền ở thành phố Hải Dương, các huyện còn lại nhân dân đã nhất tề nổi dậy giành chính quyền, đến ngày 22/8/1945 tất cả các địa phương trong toàn tỉnh Hải Dương đã giành được chính quyền. Chỉ trong vòng 6 ngày (từ ngày 17/8-22/8/1945), Cách mạng tháng Tám đã thắng lợi vang dội trên khắp các địa phương của tỉnh Hải Dương.

- Sau khi thực dân Pháp thất bại trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, buộc chúng phải ký với ta hiệp định Giơnevơ công nhận độc lập, chủ quyền của Việt Nam và rút quân về nước. Để thực hiện nội dung đó, thực dân Pháp được phép rút quân theo từng vị trí và thời gian khác nhau. Tại thị xã Hải Dương, theo kế hoạch, thực dân Pháp sẽ rút khỏi thị xã vào sáng ngày 30/10/1954 và ta sẽ tiếp quản. Theo đúng lịch, sáng 30/10/1954, bộ đội ta từ các hướng tiến vào tiếp quản thị xã. Sau khi đã tiếp quản xong thị xã Hải Dương, đến chiều cùng ngày, lực lượng của ta đã hùng dũng, chỉnh tề tập trung ở vườn hoa Độc Lập để mít tinh chào mừng thắng lợi, công bố 8 chính sách của Chính phủ đối với vùng mới giải phóng và 10 điều kỷ luật đối với cán bộ, bộ đội. Tại buổi mít tinh này, đồng chí Đỗ Mười - Bí thư Khu uỷ Khu tả ngạn đọc diễn văn tuyên bố thị xã Hải Dương được hoàn toàn giải phóng.

Quảng trường Độc Lập là một địa điểm đẹp trong lòng thành phố, nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ vào những ngày lễ lớn và các sự kiện chính trị của tỉnh và đất nước, nhưng tại đây hiện chưa có một công trình tưởng niệm nào được xây dựng để ghi dấu sự kiện lịch sử quan trong đã từng diễn ra để góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, để cho nhân dân thành phố thêm tự hào về tinh thần cách mạng của mảnh đất Thành Đông xưa. Đặc biệt, vị trí này, đến nay tại đây vẫn chưa được xếp hạng.

____________
Nguyễn Hằng (st)

(Nguồn trích: Di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu tỉnh Hải Dương)

 
Các bài liên quan
Chu Văn An (01/08/2018)
Chùa Quang Khánh (13/07/2018)
Nguyễn Trãi (1380 - 1442) (02/07/2018)
Đình Thuý Lâm và Cây Vải Tổ (15/06/2018)
 
Quay lạiXem tiếp   
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 
 
LƯỢT TRUY CẬP
 
 
 Hôm nay219 
 Hôm qua455
 Tuần này1677 
 Tất cả1382545 
IP: 34.204.181.91