
Khu di tích Tượng đài Bác Hồ được xây dựng tại thôn Mai Xá, xã Hiệp Lực, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương để kỷ niệm sự kiện Bác Hồ về thăm xã Hiệp Lực năm 1962. Từ thành phố Hải Dương về đến di tích tượng đài kỷ niệm khoảng 31km theo Quốc lộ 37. Xã Hiệp Lực được vinh dự đón Bác về thăm ngày 26/7/1962 vì xã là một trong những đơn vị có phong trào chống úng khá nhất tỉnh Hải Hưng lúc bấy giờ. Ninh Giang nói chung và xã Hiệp Lực nói riêng khi đó được gọi là “cái rốn nước” vì mỗi khi mưa là ngập úng nhưng nhờ vào sự tích cực đắp bờ, khoanh vùng, tập trung tới 74 guồng nước cải tiến và các phương tiện khác để tiêu úng trong suốt 19 ngày liền mà Hiệp Lực đã đẩy lùi được úng và cấy xong vụ mùa. Sự kiện Bác Hồ về thăm được người dân nơi đây lưu truyền lại là khoảng 7 giờ ngày 26/7/1962, có một đoàn xe dừng lại và một đoàn cán bộ đi xuống cánh đồng Mai Xá thăm đồng, trong đoàn cán bộ đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đằng xa có tiếng hô to: Bác Hồ! Bác Hồ! Rồi mọi người từ trong làng, ngoài đồng ùn ùn kéo đến. Bác bước qua rất nhiều rạch nước từ miệng guồng ra sông, các đồng chí cán bộ đi cùng lo lắng vì sợ Bác ngã, nhưng Bác bước rất nhanh nhẹn, vừa đi Bác vừa hỏi chuyện đồng chí Trần Trọng Ban - Cán bộ xã về công tác chống úng. Khi Bác đi ngang qua những thợ đang đạp nước, Bác giơ tay vẫy chào mọi người và Bác đi đến guồng của một thanh niên rồi dừng lại. Bác hỏi: “Các cô, các chú guồng nước thế này có một không?”, mọi người ngồi trên guồng thấy Bác mừng quá không nói nên lời, chỉ biết nhìn Bác cười. Bác bảo cho Bác guồng thử để biết sự nhọc nhằn, vất vả của nông dân, Chú nào lên đây guồng với Bác. Đồng chí Nguyễn Chương - Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Thủy lợi cùng lên đạp guồng với Bác. Bác ngồi phía tay phải, đội mũ cát, hai tay vịn thang guồng và nói chuyện với nhân dân hỏi thăm tình hình sản xuất và đời sống của bà con, Bác nhắc nên lắp ổ bi vào trục để người đạp đỡ vất vả, năng suất lại cao hơn. Cổ vũ tinh thần lao động hăng hái của nhân dân trong xã, Bác đọc đoạn thơ: “Trăm năm trong cõi người ta Chống úng thắng lợi mới là người ngoan” Khi dùng guồng Bác nói: “Đồng bào làm việc thật vất vả nhưng | bước đầu đã thắng lợi. Hãy cố gắng cho thắng lợi hoàn toàn. Năm nay mưa nhiều, nhiều nơi bị ngập úng. Ninh Giang là một trong những điểm ngập úng nặng nhưng lại khắc phục tốt, đặc biệt xã Hiệp Lực. Bác biểu dương tinh thần quyết tâm của bà con và khen ngợi nhân dân xã Hiệp Lực. Bác mong toàn huyện noi gương Hiệp Lực trong việc chống úng lụt, ổn định sản xuất vì lụt lội vốn thường xuyên xảy ra làm cho đời sống nhân dân khó khăn. Muốn vậy, công tác thủy lợi là biện pháp hàng đầu. Phải làm tốt công tác thủy lợi mới nâng cao năng suất lúa màu và vươn lên thành một trong những điển hình của tỉnh”. Sau khi Bác về thăm, nhân dân xã Hiệp Lực đã chống ung thắng lợi với 245 mẫu lúa mùa chiều trũng thoát khỏi ngập úng được tiếp tục chăm bón, đến vụ thu hoạch lúa mùa năm ấy năng suất lúa đạt cao, phong trào thủy nông của xã có bước trưởng thành mới. Những lời dạy của Bác trở thành những lời huấn thị thiêng liêng, chứa chan tình nghĩa đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân Hiệp Lực. Để ghi nhớ sự kiện Bác Hồ về thăm, ngày 10/6/1971, công trình Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được khởi công xây dựng tại vị trí nhìn xuống cánh đồng Sao của thôn Mai Xá, nơi Bác đạp guồng nước năm xưa trong niềm vui hân hoan của cán bộ và nhân dân Hiệp Lực. Mẫu tượng đài Bác Hồ ở xã Hiệp Lực được nhà điêu khắc Nguyễn Phước Xanh cùng các sinh viên Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội thiết kế và thực hiện. Khuôn viên khu di tích Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hiệp Lực có tổng diện tích 20.588m, bao gồm các công trình như: Vườn cây Bác Hồ, khu tượng đài, nhà văn hóa thôn và ao cá. Trong đó tượng đài cao 5,7m (cả bệ) nhìn về hướng Bắc, thể hiện tư thế Chủ tịch Hồ Chí Minh đang đứng cầm mũ vẫy chào cán bộ và nhân dân trong dịp về thăm, bên cạnh tượng Bác là bức phù điêu mô tả quang cảnh nhân dân sôi nổi chống úng. Bằng sự nỗ lực cao nhất của tập thể và nhân dân địa phương, ngày 06/02/1972 công trình đã hoàn thành. Công trình Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng thiêng liêng không chỉ riêng xã Hiệp Lực mà của cả huyện Ninh Giang. Việc tổ chức nghi lễ thắp hương trước tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những sự kiện lớn của quê hương đã trở thành nếp sinh hoạt văn hoá đẹp của cán bộ và nhân dân nơi đây. Củng cố thêm tình cảm của nhân dân với vị lãnh tụ kính yêu - Người cha già của dân tộc. Mặc dù tầm vóc và ý nghĩa của di tích rất to lớn nhưng đến nay di tích vẫn chưa được xếp hạng. Di tích hiện nay được giao cho Ủy ban nhân dân xã Hiệp Lực quản lý và hàng năm đầu tư, nâng cấp, cải tạo và trông non di tích nhưng do trong điều kiện đất nước, quê hương còn khó khăn, khi xây dựng Tượng đài đã sử dụng nguyên vật liệu không được tốt nên trải qua mấy mươi năm, đến nay tượng đài Bác Hồ xã Hiệp Lực đã bị hư hại, xuống cấp nghiêm trọng. Các mảng bê tông bong tróc, lộ cả cốt tre, nhiều chi tiết bị rơi rụng có thể đổ bất cứ lúc nào. Vì thế mà theo quy hoạch, công trình sẽ được làm mới bằng đá hoa cương, bổ sung hệ thống phù điêu, công trình phụ trợ, nâng cấp không gian khuôn viên, cây xanh cho di tích để nơi đây xứng đáng là địa chỉ cho các hoạt động tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng của quê hương cho các thế hệ con em mai sau. |