Đất và người Hải Dương
Dồi Son, nơi tổ chức Hội nghị quân sự xây dựng kế hoạch mở đất tháng 8/1950
(Cập nhật: 29/12/2021)
 

Hội nghị quân sự xây dựng kế hoạch mở đất năm 1950 được tổ chức tại Dồi Son, xã Tân Hưng, huyện Thanh Hà. Sau này trong cải cách ruộng đất năm 1956 xã Tân Hưng được tách thành xã Thanh Cường và Thanh Bình. Địa danh Dồi Son này nằm trên thân Thành Thịnh, xã Thanh Cường, huyện Thanh Hà và tên gọi tồn tại đến ngày nay.

Khoảng cách từ trung tâm thành phố Hải Dương về đến xã Thanh Cường khoảng 10km theo Quốc lộ 5 về hướng Hải Phòng, đến cầu vượt 789 rẽ phải vào Tỉnh lộ 390B đi thẳng khoảng 5km là đến xã Thanh Cường.

Trong thôn Thành Thịnh, có một khu vực là căn cứ địa bí mật của Đảng bộ tỉnh Hải Dương, nơi nuôi dấu và hoạt động của nhiều vị lãnh tụ phong trào cách mạng thời kỳ này, đó là nhà của quần chúng Phạm Thị Sầm. Nơi đây có vị trí địa lý vô cùng lý tưởng cho hoạt động cách mạng vì được bao bọc bốn mặt là sông và ao hồ, lại giáp với xã Thanh Hồng bên cạnh lên rất thuận tiện cho việc rút lui, đường vào khu vực này vô cùng khó khăn và có duy nhất một đường vào nên yếu tố đảm bảo an ninh khá cao. Chính vì thế mà nơi đây được lựa chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị Quân sự xây dựng kế hoạch mở đất do Tỉnh ủy tổ chức.

Bước vào đầu năm 1950, phong trào cách mạng trong tỉnh Hải Dương giành được nhiều thắng lợi quan trọng, nhưng cũng bộc lộ những sai lầm, thiếu sót trong việc chỉ đạo phong trào kháng chiến ở các địa phương, nhất là trong đợt tổng phá tề. Để kiểm điểm các mặt công tác kháng chiến và bàn công tác sắp tới, trong các ngày từ 01/8 - 10/8/1950, Tỉnh ủy Hải Dương đã mở Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng để bàn các vấn đề đó.

Nhằm triển khai Nghị quyết của Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng, cũng trong thời gian đó, Tỉnh ủy đã mở Hội nghị quân sự bàn về kế hoạch mở đất tại Dồi Son, Hội nghị quyết định lấy khu Hà Đông làm căn cứ của tỉnh (mật danh là khu E) và bàn kế hoạch “mở đất”. Nội dung của kế hoạch mở đất chủ yếu là:

- Củng cố khu A đường 8 (nam Kim Thành), bao vây A (bí danh vị trí Đồng Xá), mở Á thành khu du kích cửa ngõ nối liền với Việt Bắc, đảm bảo an toàn cho các cuộc chuyển vũ khí từ Việt Bắc về;

- Củng cố khu E (khu Hà Đông), tiến sang mở E” (khu đông đường 17), tiêu diệt Tiểu đoàn 10BVN;

- Củng cố khu D (khu hạ Tứ Kỳ), bao vây D’ (bí danh vị trí cầu Ràm, Ninh Giang);

- Tiến sang B (Tây nam Ninh Giang và nam Thanh Miện), diệt B1 (vị trí Bến Trại), bao vây B2 (vị trí Đỏ Neo);

- Giữ vững H (Bắc Ninh Giang, nam Gia Lộc);

- Tiêu diệt C (bắc Thanh Miện, nam Bình Giang), diệt C (bí danh chỉ khu đường 20 sát Sắt và đường 5).

Để thực hiện thắng lợi kế hoạch này, Hội nghị đã quyết định thành lập Ban cán sự quân sự của tỉnh gồm 5 đồng chí là Vũ Hồng, Phạm Văn Quyến, Lưu Thành Nhân, đồng chí Nam, đồng chí Mai.

Sau hội nghị, phong trào đấu tranh cách mạng diễn ra mạnh mẽ hơn và giành nhiều thắng lợi trên mặt trận quân sự trong toàn tỉnh, vùng tự do của ta kiểm soát được mở rộng, nhân dân toàn tỉnh tin tưởng hơn vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Kết quả biểu hiện cụ thể: Ở khu A, cơ sở cách mạng được củng cố tương đối vững chắc, đảm bảo cho tuyến giao liên giữa Hải Dương với Việt Bắc; Khu E được tiếp tục củng cố vững chắc hơn và biến khu E thành cầu nối khu căn cứ du kích động Thanh Hà sang nam Gia Lộc, Bắc Ninh Giang; Khu H, ta đã diệt được hương đồng Kim Húc, bao vây đồn Sịch (Ninh Giang)... từ đó mở tung một mảng trên đường 20 giải phóng 4 xã trở thành căn cứ uy hiếp Ninh Giang; Khu B tiếp tục là cơ sở cách mạng của ta nên đã mở rộng được khu du kích một cách nhanh chóng, với mục tiêu B1 ta đã tiêu diệt được vị trí Bến Trại và mở rộng ra thêm nhiều xã khác, từ đó góp phần làm cho khu B trở thành khu rộng nhất trong tỉnh...

Nội dung Hội nghị quân sự với Kế hoạch mở đất được tiến hành trong thời điểm rất hợp lý khi ta kết hợp được với hoạt động trên các chiến trường như: Chiến dịch Trung du, Biên giới và Đường 18. Các phong trào hoạt động của ta đã làm chi phối lực lượng của địch trên địa bàn tỉnh Hải Dương, chúng phải đối phó với phong trào tại chỗ mà không có điều kiện chi viện cho các chiến trường khác.

Mặc dù, nội dung và ý nghĩa của Hội nghị quân sự bàn về kế hoạch mở đất vô cùng quan trọng, nhưng cho đến nay, tại khu vực tổ chức hội nghị này (nơi sinh sống của 5 hộ gia đình là con cháu của cụ Phạm Thị Sâm) vẫn chưa có một công trình tưởng niệm sự kiện nào được xây dựng và nội dung sự kiện này được rất ít quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ biết đến. Đề nghị trong thời gian sớm nhất, các cấp, các ngành và đơn vị cần có chính sách quan tâm đầu tư đối với sự kiện và địa danh này để góp phần hình thành nên một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng của địa phương không chỉ là huyện Thanh Hà mà của cả tỉnh Hải Dương.

 
Các bài liên quan
Lương Như Hộc (1420-1501) (12/11/2021)
Chiến thắng Chợ Trương (26/10/2021)
Lương Định Của (1921 - 1975) (29/09/2021)
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương (09/09/2021)
Lý Tử Cấu (? - ?) (19/08/2021)
 
Quay lạiXem tiếp   
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 
 
LƯỢT TRUY CẬP
 
 
 Hôm nay542 
 Hôm qua850
 Tuần này2335 
 Tất cả1288017 
IP: 3.236.209.138