Đền Từ Hạ, nơi tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tháng 8/1950 Đền Từ Hạ được xây dựng thời Hậu Lê, nơi đây được biết là nơi thờ tự ba vị thành hoàng làng Phúc Giới là: Đặng Chân, Trịnh Thị Khang, Đặng Trí đã có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân vào thế kỷ X. Ngoài ra, nơi đây còn nổi tiếng là địa điểm diễn ra nhiều sự kiện lịch sử cách mạng quan trọng của tỉnh Hải Dương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cách trung tâm thành phố Hải Dương 24km về phía Tây, Đền Từ Hạ còn gọi là Đền Thánh Cả tại thôn Phúc Giới, xã Thanh Bình, huyện Thanh Hà nổi tiếng là một di tích có kiến trúc cổ và đẹp được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật vào ngày 19/01/2001 theo Quyết định số 04/2001/QĐ-BVHTT. Đền được xây dựng từ thời Hậu Lê (thế kỷ XII - XIII). Kiến trúc kiểu chữ Đinh bao gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung. Tòa tiền tế có diện tích 80m được kiến tạo theo kiểu bít đốc, nhà kiểu lòng thuyền tứ trụ, vì kiểu giá chiêng truyền thống, đấu vuông mái lợp ngói mũi. Các xà nách trang trí hoa lá cách điệu. Các bức cốn gian trung tâm chạm quần long hội tụ theo phong cách rồng thời Lê. Tòa Hậu cung được nối liền với Tòa Tiền tế bởi hệ thống máng xối. Hai vì đầu kèo của gian cổ dải được kết cấu theo kiểu vành mai gồm các bức cốn ghép sát nhau theo đề tài tứ linh khá sinh động. Qua hai gian cổ giải là gian Cung cấm. Kiến trúc của gian cung cấm theo kiểu chồng diêm, mái tầng trên quay ngang, trên bờ nóc có đôi lạc long và các góc đao cong hình lá mềm mại. Kết cấu vì kèo theo kiểu kẻ truyền chồng chóp. Tại ngôi đền này, trong kháng chiến chống thực dân Pháp đã diễn ra nhiều sự kiện cách mạng quan trọng của Đảng bộ tỉnh Hải Dương. Tiêu biểu trong số đó là sự kiện Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng diễn ra từ ngày 01/8 - 10/8/1950, Hội nghị đã kiểm điểm sâu sắc những mặt đã làm được và những mặt hạn chế, sai lầm thiếu sót trong việc chỉ đạo phong trào kháng chiến ở địa phương, nhất là những hạn chế trong đợt tổng phá tề trong giai đoạn trước và đề ra kế hoạch cụ thể cho từng địa phương và chủ trương sửa đổi lề lối làm việc, tăng cường cán bộ, đảng viên cho cấp xã; kiện toàn củng cố bộ máy cấp huyện và tỉnh nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và chức năng của bộ máy các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng đặt ra. Đặc biệt, Hội nghị đã giải quyết nhiều vấn đề về lãnh đạo, chỉ đạo phong trào kháng chiến nhưng chú trọng hơn về công tác quân sự, nhất là công tác xây dựng căn cứ du kích, xây dựng các đơn vị bộ đội địa phương. Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng đánh dấu bước trưởng thành của Tỉnh ủy Hải Dương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và làm chủ tình hình chiến sự trên khắp chiến trường. Đây là sự chuyển hướng rất đúng đắn, kịp thời qua đó đẩy mạnh được công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng về kháng chiến lâu dài, về bám đất, duy trì cơ sở... cho cán bộ cấp huyện và xã trong toàn tỉnh. Nhiều cán bộ được bổ sung, điều động xuống những căn cứ của ta vừa bị phá, đang thiếu lực lượng để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng, khắc phục tổn thất và phát triển cơ sở hoạt động trở lại. Tỉnh ủy đã quyết định chuyển 5 đồng chí Tỉnh ủy viên trong số 11 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhận công tác mới, trong đó có các đồng chí là Ủy viên Thường vụ sang công tác tại Tỉnh đội đó là đồng chí Hồng Vũ, Tỉnh ủy viên là Tỉnh đội trưởng, đồng chí Phạm Văn Quyến, Thường vụ Tỉnh ủy Trưởng ban địch vận... Đền Từ Hạ đến nay đã qua nhiều lần trùng tu, nâng cấp, các công trình, hạng mục của đền khá chắc chắn và đồng bộ. Một số hầm bí mật trong nền ngôi đền đã được bảo vệ bằng cách chặn đường vào vì nó nằm ngầm dưới mặt nước ven Đền. Để quản lý di tích, xã Thanh Bình đã thành lập Ban Quản lý gồm 11 thành viên đại diện cho các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của địa phương. Hoạt động quản lý di tích đang ngày càng hiệu quả. Hàng năm, vào ngày 14 tháng giêng và ngày 8/11 nhân dân địa phương thường tổ chức Lễ hội truyền thống với các tập tục rước kiệu, tế thần và tổ chức văn nghệ, diễn các tích chèo cổ và đánh cờ người... Nhưng tại đây, cho đến nay vẫn chưa có một công trình tưởng niệm nào để ghi dấu sự kiện cách mạng quan trọng diễn ra tại đây năm 1950 và hoạt động tưởng niệm sự kiện này. 
|